03:13 30/03/2012

Cao Bằng: Đột phá từ “3 cây + 1 con”

Mô hình “3 cây + 1 con” (trồng ngô, lạc, thuốc lá và nuôi bò) của huyện Hà Quảng được triển khai đã mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện từ chính những cây, con vốn đã quen thuộc với đồng bào.

Mô hình “3 cây + 1 con” (trồng ngô, lạc, thuốc lá và nuôi bò) của huyện Hà Quảng được triển khai đã mở ra hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số của huyện từ chính những cây, con vốn đã quen thuộc với đồng bào.

Từ “3 cây + 1 con”

Đảng bộ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã quyết định giai đoạn 2011 – 2015 sẽ “làm mới” mô hình "3 cây + 1 con" để phát triển kinh tế. Theo đó, các xã nào trước đây trồng cây thuốc lá tự phát, nay được thực hiện theo quy trình kỹ thuật mới của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá và mở rộng diện tích thành vùng nguyên liệu.

Bò u đặc sản được đưa vào mô hình phát triển kinh tế của Hà Quảng.


Vùng Lục Khu núi đá trước trồng ngô, lạc giống địa phương năng suất thấp, thời gian từ khi trồng đến thu hoạch kéo dài, nay được triển khai trồng đồng bộ cây ngô hàng hóa, lạc giống mới L14 chịu hạn, năng suất cao, tăng thời vụ. Sau khi thu hoạch ngô xuân, là gối vụ lạc giống mới phù hợp với khí hậu mùa thu mát, khô ráo ở vùng cao. Với chăn nuôi trâu bò, cũng sẽ được nuôi theo hướng bò thịt vỗ béo, bò sinh sản từ nguồn thức ăn trồng cỏ voi và chế biến nông sản phụ.

Để giúp nông dân bắt nhịp với cách làm mới, huyện Hà Quảng xây dựng đội ngũ khuyến nông từ xã đến xóm, mở các lớp tập huấn hướng dẫn, chỉ đạo nông dân sản xuất, huy động nguồn vốn từ chương trình 135, 120, 30a… hỗ trợ nông dân làm mới “3 cây + 1 con”; chỉ đạo Đảng ủy các xã, chi bộ tuyên truyền sâu rộng cho nông dân thực hiện. Huyện cũng đã ưu tiên vốn đầu tư làm đường liên xã vùng Lục Khu núi đá đến huyện nối với tỉnh lộ để tiện cho bà con giao thương.

Hướng đi mới này được bà con hưởng ứng mạnh mẽ. Nhận thấy đây là cây, con chủ lực để xóa đói, giảm nghèo, diện tích trồng 3 cây tăng nhanh theo từng năm. Số lượng đàn bò tăng vọt, bà con đua nhau tận dụng bờ ruộng, sườn đồi, hốc đá trồng cỏ voi nuôi bò. Xe cộ tấp nập đến trung tâm xã vận chuyển, thu mua lá thuốc lá khô, ngô hạt, lạc, bò u - thương hiệu của người Mông. Sau vụ thu hoạch, hộ nghèo cũng có chục triệu đồng. Có hộ nông dân ở xã Đào Ngạn, Phù Ngọc thu nhập cả trăm triệu đồng từ “3 cây + 1 con”. Số hộ nghèo của Hà Quảng giảm bình quân từ 4 - 6%/năm.

Đến “3 cây + 2 con + dịch vụ”

Mô hình “3 cây + 1 con” tiếp tục được chọn làm hướng thoát nghèo ở Hà Quảng những năm tiếp theo. Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, ông Lãnh Đức Dũng, cho biết: Năm 2011, huyện thu ngân sách khoảng 7,6 tỷ đồng, trong đó trên 3 tỷ thu từ mô hình “3 cây + 1 con”. Vì vậy, huyện tiếp tục áp dụng công thức cũ và bổ sung “3 cây + 2 con + dịch vụ”. Theo đó, sẽ thêm giống lợn đen cho thịt nạc, vị thơm ngon khác biệt của người Nùng, Mông trên vùng Lục Khu đưa vào mô hình.

Việc tập trung cho mô hình “3 cây + 2 con + dịch vụ” theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu uy tín trên thị trường là nhiệm vụ sống còn của huyện Hà Quảng trong thời gian tới. Khâu đột phá để thực hiện thành công mô hình trên, Hà Quảng xác định phải xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nghề. Tập trung mở đường giao thông để giao thương đến 19/19 thôn bản của huyện. Trung tâm đào tạo nghề của huyện sẽ chuyển giao kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt… cho nông dân. Xây dựng đề án nuôi và nhân giống lợn đen tại các xã Lục Khu. Chuyển động theo hướng đi này, nông dân có sản phẩm từ 3 cây + 2 con sẽ bắt nhịp được với thương mại và dịch vụ gắn với kinh tế cửa khẩu Sóc Hà, du lịch gắn với Khu di tích lịch sử Pác Bó nối với đường Hồ Chí Minh từ huyện tới các tỉnh.

Ông Lưu Trọng Hính, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Thôn cho biết, hiện nay, sản phẩm ngô, lạc, bò u thịt, lợn đen của đồng bào được thương lái đến tận xã thu mua bằng xe ô tô những vẫn không đủ cung cấp. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc ở Hà Quảng thoát nghèo vươn lên làm giàu từ chính những mô hình trên như hộ Lý Văn Lỷ ở xã Thượng Thôn, Nông Văn Lù ở xã Vân An…

Bài và ảnh: Trọng Thủy