01:21 16/01/2011

Cảnh giác với những chiêu lừa mới ở Campuchia

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mở hướng kinh doanh, đầu tư sang Campuchia, trong đó có việc đấu thầu hoặc nhận làm thầu phụ các dự án xây dựng cầu đường, bệnh viện, trường học... Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ, nhiều DN đã bị các đối tượng xấu tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tiền.

Vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã mở hướng kinh doanh, đầu tư sang Campuchia, trong đó có việc đấu thầu hoặc nhận làm thầu phụ các dự án xây dựng cầu đường, bệnh viện, trường học... Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ, nhiều DN đã bị các đối tượng xấu tại Campuchia lừa đảo chiếm đoạt tiền.


Tham tán Vũ Thịnh Cường - Ảnh: CTV


Phần lớn đối tượng xấu sử dụng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (cầu, đường, bệnh viện...) chưa có nguồn vốn đầu tư để thông qua các quan hệ tại Việt Nam mời chào các DN có nhu cầu nhận thầu xây dựng. Khi các DN tỏ ý quan tâm các dự án này, họ đề nghị phải chi một khoản tiền gọi là “chi phí ngoại giao” từ 50.000-100.000 USD.


Để tạo sự tin tưởng, những người này thường giới thiệu là có quan hệ với các nhà lãnh đạo của Chính phủ Campuchia, thậm chí tìm cách bố trí cho các DN Việt Nam được tiếp kiến một số nhà lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Campuchia.


Tuy nhiên, nội dung thực chất của các cuộc tiếp xúc thường chỉ là chào xã giao chứ không liên quan đến việc thực hiện các dự án. Trong quá trình tiếp xúc, những người này còn sử dụng phiên dịch tiếng Campuchia do họ bố trí trước nhằm mục đích cho các DN hiểu sai nội dung các cuộc tiếp xúc để củng cố “vị thế” của mình.

Sau khi nhận được số tiền “phí ngoại giao” ban đầu, những người này tiếp tục đòi các DN chi thêm tiền. Nếu DN không chấp nhận chi thêm coi như hai bên chấm dứt quan hệ.


Trường hợp DN đòi đối tác chứng minh nguồn vốn, những người này sẽ tìm cách né tránh, gây mệt mỏi, chán nản cho các DN vì phải liên hệ. Thậm chí còn đe dọa các DN nếu họ kiên quyết đòi lại số tiền đã chi.


Đối với các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp (cao su, điều, lúa, sắn, mía đường...), hiện nhiều công ty ở Campuchia đang mời chào các DN đầu tư vào các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp theo hình thức cấp đất tô nhượng kinh tế dài hạn (50-70 năm).


Hầu hết diện tích đất có thể thực hiện các dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp theo quy hoạch của Chính phủ Campuchia đều đã được các công ty của Campuchia xin lập dự án từ trước.


Các công ty nước ngoài đến Campuchia không thể xin đất tô nhượng kinh tế trực tiếp từ chính phủ mà đều phải chấp nhận hợp đồng sang nhượng lại với các công ty đã xin phép thực hiện dự án từ trước đó.


Các đối tượng lừa đảo lợi dụng những dự án này và sử dụng nhiều chiêu thức để lừa đảo các DN. Khi các DN đồng ý về nguyên tắc hợp đồng sang nhượng một dự án đất tô, những người này yêu cầu chi một khoản tiền ban đầu khoảng 20.000-50.000 USD với lý do để “quan hệ” với chính quyền khi xin phép sang nhượng.


Sau đó, những người này tiếp tục đòi các DN chi thêm tiền ngoài thỏa thuận để thực hiện việc quan hệ. Việc này kéo dài đến khi các DN chán nản không thể tiếp tục theo đuổi dự án và tất nhiên là số tiền đã chi ban đầu không thể đòi lại được. Thậm chí nhiều đối tượng còn rao bán các dự án mà chúng chưa được chính phủ cấp đất tô nhượng, mục tiêu của bọn lừa đảo là chỉ nhằm chiếm đoạt số tiền “phí ngoại giao” ban đầu.


Điểm chung của hầu hết các vụ lừa đảo mà Thương vụ biết được là ở chỗ: các DN Việt Nam không tìm hiểu kỹ về các dự án, nhưng vì nôn nóng được nhận dự án nên đã không ngần ngại chi một khoản tiền ban đầu mà họ cho rằng không đáng kể so với giá trị của dự án trong tương lai.


Hơn nữa, trước khi thỏa thuận và giao số tiền “phí ngoại giao” cho đối tác, các DN đã không tham vấn các cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam tại Campuchia như: Đại sứ quán, Thương vụ. Chỉ khi có vấn đề phát sinh, một số ít DN Việt Nam mới đến trình bày với các cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam tại Campuchia.


VŨ THỊNH CƯỜNG (tham tán thương mại Việt Nam tại Campuchia)


Theo Tuổi trẻ