05:10 26/05/2011

Canh bạc “dầu mỏ” của FED

Theo báo “Bưu điện Tài chính” ngày 23/5, cơn sốc giá dầu do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tạo ra có nguy cơ làm “trật bánh” sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Theo báo “Bưu điện Tài chính” ngày 23/5, cơn sốc giá dầu do Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke tạo ra có nguy cơ làm “trật bánh” sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Dầu mỏ là một mặt hàng có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của một nhà kinh tế và ông Bernanke thấm thía điều này khi đang quản lý nền kinh tế Mỹ. Nhưng việc dầu tăng giá ròng, lẫn sự biến động giá của mặt hàng này trong 9 tháng qua, không khiến ông ngạc nhiên. Người ta dự đoán rằng những biến động giá dầu là một sản phẩm phụ của việc FED nới rộng cán cân trong chính sách nới lỏng định lượng (QE). FED đang đặt cược rằng những mối lợi nhờ QE đối với các thị trường tài chính có thể cân bằng tác động bất lợi của những diễn biến giá dầu.

QE được thiết kế để thúc đẩy việc chấp nhận rủi ro. Các quan chức FED tuyên bố sẽ mua số trái phiếu Bộ Tài chính trị giá 600 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 11/2010 - 6/2011, với hy vọng các nhà đầu tư sẽ tái đầu tư vào những tài sản có nhiều rủi ro hơn, giúp làm tăng giá cổ phiếu không lãi cố định và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhiệm vụ này của QE dường như đã hoàn thành khi giá cổ phiếu đã tăng đáng kể.

Nhưng tác động của QE không chỉ hạn chế tại các thị trường tài chính. Kể từ khi FED tuyên bố ý định in thêm tiền để mua trái phiếu của Bộ Tài chính vào tháng 8/2010, giá dầu mỏ đã tăng từ 76 USD/thùng lên khoảng 100 USD/thùng.

Tại sao chính sách của FED lại ảnh hưởng đến giá dầu? Lý do là các nhà sản xuất dầu mỏ, cũng như các mặt hàng khác thường ấn định giá sản phẩm của họ trên thị trường toàn cầu bằng đồng USD. Vì vậy, họ luôn quan tâm đến mãi lực hiện nay, cũng như mãi lực tương lai của đồng USD, và cách thức tác động của giá đồng USD đối với những sản phẩm và hàng hóa được nhập khẩu. Nhưng QE thường đi kèm với lạm phát cao hơn và sự mất giá của USD, làm giảm mãi lực của các công ty sản xuất hàng hóa nước ngoài.

Tác động quan trọng hơn đối với sự biến động của giá dầu là QE đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển vốn từ các hạng mục đầu tư an toàn, sang các hạng mục nhiều rủi ro hơn. Thị trường hàng hóa, chính là nơi các nhà đầu tư đổ sang để tìm kiếm lợi nhuận. Các luồng đầu tư đổ vào các cỗ xe liên quan đến hàng hóa đang được tăng tốc đáng kể. Một sự đầu cơ như vậy không sản xuất hay tiêu dùng hàng hóa, do vậy nó sẽ không có tác động kéo dài đối với giá cả. Tuy vậy, trong những giai đoạn ngắn, nó có thể khiến giá hàng hóa biến động mạnh.

Vì vậy, việc dầu tăng giá và những biến động của giá dầu gây ra 2 vấn đề rõ ràng đối với FED.

Thứ nhất, việc giá năng lượng tăng tới 30% đang ảnh hưởng đến ngân sách của các hộ gia đình, hạn chế chi tiêu tại một nền kinh tế vốn đang phải chịu gánh nặng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Điều này giải thích lý do tại sao mức tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ cho đến nay đều thấp hơn dự đoán của hầu hết giới phân tích.

Thứ hai, việc tăng giá dầu, cũng như giá của các mặt hàng khác đang làm tăng sức ép lạm phát. Trong 6 tháng qua, tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ lên tới 5,75%/năm và đồng USD bị mất giá trên thị trường hối đoái quốc tế.

Dường như những ảnh hưởng kinh tế của cơn sốc năng lượng là không dễ chịu. Tuy vậy, đây là một canh bạc và các quan chức FED phải chấp nhận việc cơn sốc này có thể làm “trật bánh” sự tăng trưởng kinh tế khi họ quyết định tiến hành QE. Người ta có thể thấy rõ hậu quả của quyết định này trong những quý tới.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)