05:07 08/05/2014

Căng thẳng Thái Lan lên một nấc mới

Thái Lan hiện đang chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị, vốn không chỉ đe dọa đẩy nền kinh tế vào suy thoái mà còn khiến cho tình hình bất ổn trong nước ngày càng lan rộng.

"Thời báo Tài chính" (Anh) ngày 7/5 có bài xã luận cho rằng trong nhiều thập kỷ qua, Thái Lan - một đất nước với 70 triệu dân luôn được nhắc đến như là một trong những câu chuyện phát triển kinh tế thành công nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quốc gia này đang chìm sâu hơn vào cuộc khủng hoảng chính trị, vốn không chỉ đe dọa đẩy nền kinh tế vào suy thoái mà còn khiến cho tình hình bất ổn trong nước ngày càng lan rộng.

            

Trung tâm của cuộc khủng hoảng là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra - một nhân vật có thế lực và là một tỷ phú trong lĩnh vực viễn thông. Ông Thaksin được bầu làm Thủ tướng Thái Lan năm 2001, nhưng đến năm 2006 ông bị phế truất trong một cuộc đảo chính do quân đội tiến hành trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích nhằm vào ông vì những cáo buộc liên quan đến tham nhũng và lạm quyền. Kể từ năm 2008 đến nay, ông Thaksin buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài.


Và bây giờ, người em gái 46 tuổi của ông, bà Yingluck - người mà lâu nay bị nghi ngờ chỉ là người được ủy nhiệm của ông Thaksin - đang phải chung số phận. Năm 2011, bà Yingluck đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử. Tuy nhiên, ngày 7/5, bà đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan hất khỏi ghế thủ tướng thay vì các tướng lĩnh quân đội. Tòa án Hiến pháp nước này tuyên bố rằng bà Yingluck đã lạm quyền khi quyết định thuyên chuyển ông Thawil Pliensri khỏi vị trí Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) vào năm 2011 và thay vào đó bằng một người có quan hệ với gia đình bà.


Bà Yingluck Shinawatra (giữa) vẫy chào người ủng hộ ở ngoại ô Bangkok ngày 7/5. Ảnh: AFP/TTXVN


Đối với những người quan sát Thái Lan từ xa, thì phán quyết của Tòa án Hiến pháp có vẻ như là vô lý. Ở một đất nước tự nhận là dân chủ, trong một số trường hợp hiếm hoi, một Tòa án Hiến pháp hoàn toàn có thể buộc tội một thủ tướng dân cử sau quá trình tiến hành các thủ tục tư pháp đầy đủ. Tuy nhiên, ở Thái Lan, Tòa án Hiến pháp đã buộc ba thủ tướng phải từ chức trong những năm gần đây và cả ba người này đều là những đồng minh của ông Thaksin. Một trong ba người này từng bị mất chức chỉ vì ông ta nhận tiền cát-xê cho lần xuất hiện trong chương trình truyền hình dạy nấu ăn. Trong trường hợp của bà Yingluck, phán quyết được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà đưa ra các chứng cứ phản bác.


Mặc dù vậy, quyết định của Tòa án Hiến pháp Thái Lan không thể được nhìn nhận một cách riêng rẽ. Đây chỉ là diễn biến mới nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài do mâu thuẫn giữa phong trào chính trị theo chủ nghĩa dân túy của ông Thaksin và những người dân giàu có ở thành thị, trong đó không có ai là vô tội. Trong suốt một thập kỷ qua, ông Thaksin và các đồng minh của mình đã sử dụng các chính sách dân túy để xây dựng cơ sở quyền lực lớn ở các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Thông qua việc trợ cấp dịch vụ y tế và nông sản cho những người nghèo ở nông thôn, phong trào ủng hộ ông Thaksin đã có được số phiếu cần thiết để giành chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử. Việc này đã tạo ra một số chính sách tai hại, đáng chú ý nhất là chương trình trợ giá lương thực gây lãng phí mà theo đó chính phủ mua gạo của nông dân với giá cao gấp đôi giá trên thị trường.


Tuy nhiên, phong trào đối lập, với sự ủng hộ của những gia đình giàu có nhất ở Thái Lan, đã hành xử một cách thô bạo trong các nỗ lực lật đổ chính phủ dân cử. Từ tháng 11 năm ngoái, phe đối lập cứ theo định kỳ lại buộc các cơ quan chính phủ phải đóng cửa và chiếm giữ các con đường chính ở thủ đô Bangkok. Hồi tháng 2 vừa qua, phe đối lập cũng đã phá hỏng cuộc bầu cử được tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách phong tỏa các điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, Tòa án Hiến pháp dường như có xu hướng đưa ra phán quyết thiên vị cho những người biểu tình phản đối chính phủ.


Trước khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết, cách tốt nhất để Thái Lan giải quyết cuộc khủng hoảng là chính phủ và phe đối lập phải tạm "ngừng chiến". Sau đó bà Yingluck sẽ phải tự nguyện từ chức và thừa nhận hướng đi của phe ủng hộ Thaksin. Đổi lại, phe đối lập phải chấp nhận một số nhượng bộ đáng kể, chẳng hạn như cam kết tham gia vào cuộc tổng tuyển cử và chấp thuận kết quả bầu cử, và thừa nhận vai trò của các cơ quan tư pháp và quân đội của nước này.


Tuy nhiên, với việc phế truất bà Yingluck trong một động thái được coi là "đảo chính tư pháp", Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đẩy căng thẳng lên một nấc mới. Điều này có nghĩa là các cuộc biểu tình bạo lực của phe ủng hộ chính phủ và phe đối lập, hay còn gọi là phe "Áo Đỏ" và phe "Áo Vàng" - sẽ lại nổ ra trên các đường phố. Khi mà các nhà đầu tư nước ngoài chứng kiến cuộc xung đột chính trị này tiếp tục leo thang thì họ có thể đi đến kết luận rằng họ sẽ phải tìm kiếm các cơ hội an toàn hơn ở các nước Đông Nam Á khác.

 


Huy Hiệp (P/v TTXVN tại London)