03:07 20/03/2015

Càng mở rộng, lễ hội càng nhiều tệ nạn

Hiện nay, nhiều hội làng đã được tổ chức với quy mô lớn hơn mang tính chất cấp vùng, cấp tỉnh, quốc gia phục vụ chiến lược phát triển kinh tế du lịch và những tệ nạn nảy sinh ở những lễ hội lớn ấy cũng bởi sự “quá tải” của hội làng.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Tệ nạn nảy sinh do quá tải

Nguyên gốc của lễ hội là hội làng, tức là ngày hội do người trong làng tổ chức, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân ở các địa phương.

Hội Gióng 2015 tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để lại nhiều tai tiếng. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN


Các hội làng thực chất rất lành mạnh, chuyện cướp lộc lấy may ở một số hội làng cũng có, nhưng mang tính chất tâm linh, linh thiêng và vui chơi ngày hội chứ không đến mức độ gây thương tích, thậm chí xô xát như ở nhiều lễ hội lớn hiện nay.

Tôi đã đi khảo sát rất nhiều hội làng thì thấy có sự đối lập, trong khi những hội làng thực chất do người làng tổ chức rất nề nếp, trật tự và vẫn đậm đặc bản sắc truyền thống, thì hiện tượng lộn xộn, chặt chém cướp giật, thương mại hóa... lại diễn ra ở những lễ hội lớn.

Hiện nay, nhiều hội làng đã được tổ chức với quy mô lớn hơn mang tính chất cấp vùng, cấp tỉnh, quốc gia phục vụ chiến lược phát triển kinh tế du lịch và những tệ nạn nảy sinh ở những lễ hội lớn ấy cũng bởi sự “quá tải” của hội làng.

Nhưng lễ hội vốn là của làng, cho nên nếu công việc tổ chức được chia đều 50% do chính quyền quản lý, 50% là quyết định của làng thì được, chứ 60% là do chính quyền quyết định thì chắc chắn là “có vấn đề” vì giảm đi vai trò của làng trong lễ hội thì dễ làm mất đi bản sắc của các lễ hội. Vì thế hội làng cần phải được trả về cho người làng tổ chức.

TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa: Phải có có sự nghiên cứu về học thuật


Đầu năm nay, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát rất chi tiết về các hội làng ở địa bàn quanh Hà Nội. Hầu hết các hội làng ở các địa phương đều tổ chức rất trật tự, đúng mực, người dân tham gia rất nhiệt tình. Các hiện tượng phản cảm như tranh cướp, đánh nhau, xô đẩy, chặt chém... gần như chỉ diễn ra ở một số các lễ hội lớn khi có quá nhiều người tham gia. Như vậy, những hiện tượng đó chỉ là con số ít ỏi, nhưng lại làm ảnh hưởng xấu đến cả mùa lễ hội.

Trước những biến tướng đã diễn ra ở một số lễ hội, tôi cho rằng chúng ta cần nghiên cứu thêm để dần đưa các lễ hội trở về đúng với nguyên bản. Muốn vậy, phải có sự trao đổi về học thuật, phải tổ chức những nhóm nghiên cứu, đánh giá, phân tích các lễ hội, để từ đó tìm ra nguyên nhân sâu xa. Không nên từ một số hiện tượng xấu ở một vài lễ hội mà vội quy kết các lễ hội đang ngày càng biến tướng.

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ: Tăng cường tuyên truyền

Để lễ hội ngày càng đẹp hơn, điều quan trọng phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức giữa những người quản lý lễ hội và người đi lễ hội. Nhiều người cho rằng lễ hội là của dân, để người dân thực hiện. Tuy nhiên, tôi cho rằng, không phải lễ hội nào cũng nên thoát ly hẳn, tùy từng lễ hội lớn - nhỏ, mà Nhà nước có vào cuộc hay không.

Lấy ví dụ như lễ hội đền Hùng, nếu không có Nhà nước vào cuộc thì không thể quản lý nổi. Cả tỉnh Phú Thọ có 1,5 triệu người, nhưng mỗi năm có vài triệu người đến lễ hội đền Hùng.

Những ngày chính hội, có tới vài trăm cái xe, nếu Nhà nước không vào cuộc thì làm sao quản lý được. Đơn cử như phân luồng giao thông tránh ùn tắc, quy hoạch nơi đỗ xe, trông xe, quản lý tình trạng an ninh, ngăn chặn nạn cướp giật… nhưng nếu việc đó không có lực lượng Nhà nước làm sao làm được.

Ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Ninh: Sự vào cuộc của những người đi lễ

Để lễ hội thêm đẹp, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành liên quan, tôi cho rằng, rất cần có thêm sự vào cuộc của chính những người đi lễ. Lấy ví dụ từ việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Chúng tôi đã yêu cầu Ban tổ chức các lễ hội, ban quản lý di tích tăng cường lực lượng thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, nhiều nơi khuôn viên chật, lượng người đổ về mùa lễ hội đông, nhiều người dân chưa có ý thức còn xả rác bừa bãi, nên có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng rác thải bừa bãi.

Tôi cho rằng, bên cạnh những nỗ lực, sự vào cuộc của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích, những du khách thập phương về dự lễ hội cũng nên ủng hộ chúng tôi bằng cách mỗi người tự có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi để môi trường di tích được sạch đẹp, để lễ hội đẹp hơn trong lòng du khách.


Phương Lan - Tạ Nguyên