12:10 04/12/2014

Canada: Táo bạo là nhân tố thành công trong đàm phán

Những người từng chứng kiến quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Canada-Mỹ những năm 1980 có thể hồi tưởng quá trình này giống như một điệu nhảy vắt sức trong buổi vũ hội thời trung học.

Theo tờ "Thư tín địa cầu" của Canada, những người từng chứng kiến quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Canada-Mỹ những năm 1980 có thể hồi tưởng quá trình này giống như một điệu nhảy vắt sức trong buổi vũ hội thời trung học. Đã có nhiều câu hỏi nghi ngờ được đặt ra ở thời kỳ này: Liệu Canada đã làm đúng? Liệu Canada có thể kết thúc thỏa thuận với Mỹ? Liệu hiệp định này có đáng giá để phải vất vả vì nó?

Cựu Thủ tướng Canada Brian Mulroney phát biểu trong lễ kỉ miện 10 năm NAFTA. Ảnh: thestar.com.


Một phần tư thế kỷ sau đó, Canada đã tiến hành đàm phán một cách tự tin và thành công với các đối tác kinh doanh trên toàn thế giới. Không giống như thời kỳ còn chập chững, với những đột phá đầu tiên trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực, Canada giờ đây đã trở thành một tay chơi thạo nghề.

Canada làm chủ các sân chơi, thu hút nhiều đối tác tiềm năng, đầu tư thời gian cho những đối tượng xứng đáng, và cần mẫn theo đuổi lợi ích chiến lược của mình.

Canada đã có các cuộc đàm phán tích cực trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Nhật Bản, Ấn Độ và gần đây Canada đã hoàn tất Hiệp định Thương mại song phương với Hàn Quốc và Honduras. Canada hiện đang đặt vấn đề với các nước Mỹ Latin trong Liên minh Thái Bình Dương và mới nhất nhất đã hoàn thành Hiệp định kinh tế và thương mại toàn diện với Liên minh châu Âu - Canada (CETA).

Năm kỷ niệm lần thứ 20 của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ sắp kết thúc, đã có rất nhiều ý kiến về việc liệu cả ba đối tác NAFTA có nên cùng nhau đàm phán như một nhóm với EU và các đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương. Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ sự phối hợp giữa Canada, Hoa Kỳ và Mexico. Lý do chủ yếu vẫn là thiếu sự lãnh đạo từ Mỹ hoặc do nước này không quan tâm đến việc NAFTA nên làm việc chung như là một khối.

Tuy nhiên, cũng có một lý do khác nữa. Đó là vì Canada và Mexico đều là những quốc gia có kinh nghiệm cũng như có bản lĩnh đàm phán. Mỗi quốc gia đều vì lợi ích quốc gia của mình chứ không sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của Mỹ. Thực tế là cả ba nước Mỹ, Mexico và Canada có thể tạo ra một khối NAFTA, nhưng sẽ không bao giờ có dân chủ trong khối. Mỹ sẽ luôn luôn là người cầm chịch.

Với CETA, Canada đã có thể đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực có tầm quan trọng quốc gia như thủy sản Đại Tây Dương. Những vấn đề này không phải nằm trong danh sách ưu tiên của Mỹ. Phải thừa nhận rằng, với khả năng có hạn, Canada chỉ đạt được một thỏa thuận tương đối nhỏ từ EU, nhưng với hiệp định này, Canada sẽ có ít nhất một vài năm lợi thế tiếp cận thị trường trước Mỹ.

Một phương án bảo vệ lợi ích của Canada trong TPP sẽ là áp dụng chiến lược cầm chừng, trong khi chờ đợi Mỹ và Nhật Bản đạt được thỏa thuận về tiếp cận thị trường. Việc chính quyền Mỹ thiếu sự phê chuẩn từ Quốc hội trong việc đàm phán TPP, Canada không cần quá coi trọng việc nhượng bộ những chủ đề nhạy cảm cho đến khi chính quyền Mỹ có thể chứng minh những cam kết để hoàn tất Hiệp định.

Tuy nhiên, cuộc chơi TPP không thể đi ngược lại lợi ích của Canada như một thương nhân tương đối nhỏ đang tìm kiếm thị trường mới và đa dạng hóa. Canada cần mạnh mẽ nắm bắt tất cả các cơ hội xuất hiện. Trong khi tiếp tục các cuộc đàm phán TPP, Canada cũng nên tham gia với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương có ý định tham gia TPP trong tương lai. Đài Loan, chẳng hạn, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Trung Quốc và có thể cung cấp những bài học quan trọng đối với Canada về cách làm kinh doanh với đối tác này, trong khi duy trì kiểm soát chất lượng và các thông tin kinh doanh độc quyền.

Sự tham gia chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Đài Loan nên có trong chương trình nghị sự của Canada nếu quốc gia này tính toán nghiêm túc việc mở rộng dấu chân ở châu Á. New Zealand đã có một thỏa thuận với cả hai. Thỏa thuận gần đây của Australia với Trung Quốc cho thấy một nền kinh tế hạng trung có thể đạt được các thỏa thuận hợp lý với người khổng lồ châu Á này.

Canada ở những năm 1980 thiếu sự tự tin và kinh nghiệm để theo đuổi một cách có hiệu quả chiến lược thương mại đa dạng toàn cầu. Hiện giờ, Canada có vẻ đã đi đúng đường, vấn đề mấu chốt là cần duy trì sự tập trung và đà tiến.


Lê Hoàng
(P/V TTXVN tại Canada)