12:10 06/12/2014

Cần xử lý dứt điểm ô nhiễm nước ngòi Lao, Phú Thọ

UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an đề nghị xem xét, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngòi Lao đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ.

UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an đề nghị xem xét, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngòi Lao đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên đã 2 năm nay tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục, nước ngòi Lao có dấu hiệu ô nhiễm ngày càng tăng.

Ảnh minh họa. Ô nhiễm nguồn nước tại thị xã Phan Rang, Ninh Thuận. Hoàng Lâm-TTXVN.


Theo kết quả làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi trường của hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngòi Lao đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ là do hoạt động khai thác chế biến khoáng sản của Nhà máy tuyển quặng sắt của Công ty Phát triển số 1- trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc tỉnh Yên Bái gây ra.

Ngày 14/11/2013, UBND tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi UBND tỉnh Yên Bái đề nghị xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại ngòi Lao; đồng thời gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ chỉ đạo UBND tỉnh Yên Bái xử lý khắc phục ô nhiễm môi trường nước ngòi Lao.

Đến ngày 14/7/2014, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xem xét, xử lý tình trạng ô nhiễm trên do doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản tại Yên Bái gây ra. Sau đó, ngày 30/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nói trên.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước vẫn không chấm dứt, dấu hiệu ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Hiện UBND tỉnh Phú Thọ vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh Yên Bái để sớm có biện pháp khắc phục…

Nước ngòi Lao bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của hơn 1.200 hộ dân của 8 khu dân cư sống dọc hai bên bờ của xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập mà còn khiến cho việc sản xuất nông nghiệp, nước phục vụ sinh hoạt của các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa ( Phú Thọ) gặp khó khăn.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Đập Ngòi Lao và hệ thống đường ống dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt cho các huyện Yên Lập, Hạ Hòa và Cẩm Khê với tổng mức đầu tư dự án là hơn 408,3 tỷ đồng vừa được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt cũng phải dừng lại.

Ngòi Lao bị ô nhiễm đã khiến các giếng nước của người dân trên địa bàn cũng bị ô nhiễm theo. Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ phải xây bể lọc, nhưng vẫn không thể sử dụng được vì nước luôn đục, có váng và kèm theo nhiều tạp chất khác.Theo kết quả kiểm tra của các quan chức năng, thông số chất hữu cơ COD là 36,4mg/l vượt 2,4 lần tiêu chuẩn cho phép; BOD5 là 12mg/l vượt 2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng là 55mg/l vượt 1,8 lần; hàm lượng amoni là 0,206mg/l vượt 1,03 lần.

Trong lần kiểm tra gần đây nhất cho thấy các thông số này đã tăng lên với thông số BOD5 vượt từ 1,67 đến 3 lần; COD vượt từ 1,6 đến 3,2 lần; hàm lượng chất rắn lơ lửng vượt 2,27 đến 2,4 lần so với quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt. Riêng thông số độ màu (Pt-Co) vượt 1,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp…

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại ngòi Lao đã ở mức báo động, người dân sống trong vùng ô nhiễm mong muốn chính quyền hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái và các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành tăng cường công tác phối hợp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại ngòi Lao, nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và sức khỏe của người dân.


Lâm Đại An (TTXVN)