06:10 19/06/2014

Cần xây dựng trung tâm chế biến hải sản cho từng khu vực

Việc bao tiêu sản phẩm của ngư dân khu vực miền Trung hiện nay chủ yếu dựa vào thương lái Trung Quốc và một số thương lái Việt Nam. Tuy nhiên để đồng bộ hơn cần có giải pháp xây dựng các trung tâm chế biến sản phẩm cho từng khu vực, để ngư dân không bị ép giá.

Bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: Việc bao tiêu sản phẩm của ngư dân Quảng Bình nói riêng và khu vực miền Trung hiện nay chủ yếu dựa vào thương lái Trung Quốc và một số thương lái Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương


Ngoài ra còn có một vài trung tâm chế biến hải sản có vốn của nhà nước nhưng làm ăn thua lỗ, do thiếu ổn định về nguồn nguyên liệu và khả năng chế biến cũng như năng lực tiếp thị nên không duy trì được… Điều đó cũng có nghĩa rằng việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân thời gian qua cũng như trong thời gian tới đều phụ thuộc vào thương lái và các “đầu nậu” quyết định giá cả và thiệt thòi đều thuộc về ngư dân.


Việc xây dựng một chợ cá, có trung tâm đấu giá công khai, tạo cơ hội cho ngư dân có thị trường giao dịch, bán đúng giá, về lý thuyết là thiết thực, tạo nền tảng phát triển lâu dài với quy mô hiện đại nhưng chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Lý do ngư dân đang đánh bắt nhỏ lẻ, vốn đầu tư hạn chế nên tất cả còn lệ thuộc vào thương lái, người dân ra khơi đánh bắt không có vốn phải nợ các chi phí như dầu, vật tư, đá ướp… Do đó, ngư dân muốn hay không khi về phải bán hải sản đánh bắt cho người cho vay.


Đối với Quảng Bình hiện có khoảng 1.500 tàu cá các loại, trong đó có khoảng 30% tàu có công suất 90 CV và 5% tàu có công suất 500 CV. Việc bao tiêu sản phẩm chủ yếu vẫn thông qua thương lái Trung Quốc và một số “đầu nậu” tư nhân. Những đối tượng này cho ngư dân nợ dầu và một số vật tư khác. Vì thế, ngư dân chỉ có con đường duy nhất là bán lại sản phẩm đánh bắt cho thương lái, “đầu nậu” với giá cả thường do thương lái quyết định, phần thiệt thòi chủ yếu là ngư dân. Hiện Quảng Bình mới có hai trung tâm chế biến hải sản nhưng không có khả năng cạnh tranh và sức mua, tiêu thụ không đáng kể.


Do đó, chủ trương Chính phủ cho vay vốn đóng tàu vỏ sắt ra khơi bám biển vừa bảo vệ lãnh thổ, vừa nâng khả năng đánh bắt là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, mở ra một ra một định hướng mới nhằm hiện đại hóa nghề đánh bắt hải sản cho ngư dân, vừa giải quyết tốt chính sách xã hội. Tuy nhiên để đồng bộ hơn cần có giải pháp xây dựng các trung tâm chế biến sản phẩm cho từng khu vực, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt không bị ép giá, hạn chế nguy cơ nhiều mặt hàng hải sản khi đánh bắt về bị mất giá.


Xuân Cường