02:00 11/02/2012

Cẩn trọng với dịch cúm gia cầm

Trong 4 tuần qua, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 4 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa và Sóc Trăng làm hơn 1.680 con gia cầm mắc bệnh, 4.000 gia cầm buộc tiêu hủy. Bên cạnh đó, trong tháng 1/2012 có hai bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm tử vong.

Trong 4 tuần qua, dịch cúm gia cầm đã phát sinh tại 4 xã thuộc 3 tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa và Sóc Trăng làm hơn 1.680 con gia cầm mắc bệnh, 4.000 gia cầm buộc tiêu hủy. Bên cạnh đó, trong tháng 1/2012 có hai bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm tử vong. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cảnh báo nguy cơ về một đợt dịch bệnh trên gia cầm ở diện rộng có thể xuất hiện, đặc biệt là tại một số địa phương có hiện tượng gia cầm mắc bệnh.

Khẩn trương phòng dịch

Từ đầu năm tới nay, dịch cúm gia cầm bắt đầu tái phát tại một số địa phương. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT): “Đợt dịch này xảy ra ở 3 tỉnh với số lượng gia cầm không nhiều nhưng lại khiến 2 người tử vong. Bộ Y tế đánh giá, virút cúm đợt này có độc lực mạnh hơn, báo hiệu một trận dịch mới trên diện rộng có thể xảy ra nếu không kịp thời khống chế dịch tại 3 tỉnh đang diễn ra”.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt nuôi ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN


Mặc dù các ổ dịch đã được xử lý gọn, chưa có dấu hiệu lây lan rộng nhưng “nguy cơ bùng phát đợt dịch mới trên diện rộng thời gian tới là rất cao do thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm trong khi các hoạt động vận chuyển, giết mổ và di chuyển tăng cao, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch hoặc được nuôi mới, chưa có vắcxin phù hợp để tiêm phòng chủng virút cúm đã biến đổi....”, ông Sơn nhận định.

Biện pháp tốt nhất hiện nay để phòng chống dịch cúm gia cầm là tiêm phòng nhưng Việt Nam chưa chủ động được nguồn vắcxin. Chúng ta cần tới 60 triệu liều nhưng hiện mới chỉ có 13 triệu liều vắcxin. Hơn nữa, ông Lê Minh Sắt, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết, một trong những băn khoăn là liệu virút của đợt này có biến chủng hay không? Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương đang tiến hành lấy mẫu phân tích ở phía Nam xung quanh ổ dịch có người mắc bệnh. Đầu tuần tới sẽ có kết quả để xem virút có biến đổi không. Do vậy, cần lưu ý là độc lực H5N1 lúc nào cũng cao và nguy hiểm cho người.

Chủ động chống dịch

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể lan rộng, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các địa phương để triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống cúm gia cầm… đặc biệt, tuyên truyền để người dân không ăn gia cầm mắc bệnh, không ăn tiết canh gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa nấu chín.

Trước mắt, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp, phân công cán bộ và lãnh đạo trực chống dịch trong các ngày nghỉ cuối tuần, đồng thời công khai số điện thoại liên hệ.

Về vắcxin, ông Lê Văn Bầm, Vụ phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Thời gian tới nếu hoàn thành việc sản xuất thử nghiệm vắcxin H5N1 thì có thể cho sản xuất để phục vụ các tỉnh thích hợp”.

Các tỉnh có hiện tượng gia cầm mắc bệnh, ông Bầm đề nghị Bộ NN&PTNT làm rõ nguyên nhân, đánh giá khảo sát thực địa để đưa ra biện pháp xử lý linh hoạt. Tập trung dập dịch dứt khoát tại 3 tỉnh đang có dịch. Riêng Sóc Trăng có nguy cơ lây lan trên diện rộng vì có nhiều vịt chạy đồng, thì tạm thời chỉ đạo các huyện không được đưa vịt ra khỏi địa bàn cho đến khi công bố hết dịch.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, hệ thống thú y địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng như y tế, các đoàn thể tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ gia đình chăn nuôi, đặc biệt là quản lý tốt đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm.

“Những địa bàn có ổ dịch cúm phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy gia cầm, đồng thời không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn”, ông Tần cho biết.

Vinh Liên Phương