09:10 03/09/2012

'Can thiệp quân sự vào Syria là không thể chấp nhận được'

Tân đặc phái viên của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập về Syria, ông Lakhdar Brahimi, khẳng định hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào cuộc xung đột ở Syria sẽ không bao giờ là một phương án để giải quyết khủng hoảng tại nước này.

Ngày 2/9, tân đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) về Syria (Xyri), ông Lakhdar Brahimi khẳng định hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào cuộc xung đột ở Syria sẽ không bao giờ là một phương án để giải quyết khủng hoảng tại nước này.


Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya, ông Brahimi nói rằng "can thiệp quân sự vào Syria đồng nghĩa với thất bại của những nỗ lực ngoại giao", và theo ông, điều này là không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh: "Tình hình ở Syria rất phức tạp và nguy hiểm... Hiện không phải là thời điểm đề cập tới giải pháp can thiệp quân sự cũng như điều động lực lượng quân đội Arập và các đơn vị LHQ đến Syria".


Ngày 2/9, tại thành phố Jeddah (Arập Xêut) diễn ra hội nghị bộ trưởng Hội đồng Hợp tác Vùng vịnh (GCC) nhằm tập trung thảo luận về tình hình tại Syria. Trong ảnh: Ngoại trưởng Côoet Sheikh Sabah al-Khaled al-Sabah tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông kêu gọi Chính phủ Syria đáp ứng nhu cầu của người dân, những người "muốn có những thay đổi". Ông cũng khẳng định "thay đổi là cần thiết và không thể tránh khỏi", song cho rằng giờ chưa phải lúc nói đến việc ai phải ra đi và ai nên ở lại.


Theo ông Brahimi, Chính phủ Syria đóng vai trò then chốt trong việc khởi đầu quá trình giải quyết khủng hoảng. Ông hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về "việc tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận ngừng bắn được quy định cho tất cả các bên liên quan tới xung đột". Nhà ngoại giao này nói thêm rằng nhiệm vụ của ông sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự hỗ trợ của các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và các nước khác.

Theo kế hoạch, ông Brahimi sẽ đến Syria trong vài ngày tới.


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria cho rằng lý do dẫn tới kết cục không mong muốn của các sáng kiến hòa bình do ông Annan đề xuất "không phải là Syria, mà là thiếu sự đồng thuận của quốc tế". Ông cáo buộc các nước phương Tây, các thành viên HĐBA LHQ đã ngăn cản đối thoại tại Syria .


Cùng ngày, tại một cuộc họp diễn ra ở Jeddah, Arập Xêút, sáu thành viên Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Syria sử dụng vũ khí hạng nặng chống lại dân thường, đồng thời đề nghị Iran không can thiệp vào công việc nội bộ của GCC.


Trong khi đó, phát ngôn viên George Sabra của Hội đồng Dân tộc Syria (SNC, đối lập) cho biết tại một cuộc họp tối 2/9 ở Stockholm (Thụy Điển), SNC đã nhất trí mở rộng và cải tổ để mang tính đại diện cao hơn. Theo đó, SNC sẽ thu nạp thêm các dòng đối lập chính, có thêm ít nhất 5-6 nhóm mới ở trong và ngoài Syria.

Cơ quan điều hành của SNC sẽ mở rộng từ 300 lên 400 thành viên và mỗi nhóm đối lập sẽ có 20 thành viên đại diện. Cơ quan này dự kiến bầu ra một ban thư ký, ban này sau đó sẽ chọn ra một nhóm điều hành cũng như lãnh đạo của SNC vào cuối tháng Chín. Theo ông Sabra, việc này nhằm tăng tính đại diện của SNC.


Động thái trên diễn ra sau khi SNC bị cả những người bên trong lẫn bên ngoài tổ chức này chỉ trích không thể thống nhất các lực lượng đối lập khác nhau sau hơn 17 tháng xung đột khốc liệt.


Trong khi đó, các lực lượng đối lập đã tấn công tổng hành dinh của Bộ tổng tham mưu quân đội Syria tại trung tâm thủ đô Damascus. 4 người bị thương trong vụ "tấn công khủng bố" này.


TTXVN/Tin tức