06:06 14/06/2014

“Cần tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài”

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhở và vừa (DNNVV) cho rằng cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài

Bên lề Quốc hội, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhở và vừa (DNNVV) cho rằng cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài:


Đại biểu Cao Sỹ Kiêm


Trong điều kiện doanh nghiệp (DN) “đủ lực” để vươn ra thị trường mới, đem lại lợi nhuận về đầu tư trở lại trong nước, thời gian qua được Chính phủ khuyến khích thực hiện, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định để quản lý chặt chẽ hơn, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?


Đầu tư ra nước ngoài đang đặt ra vấn đề quản lý, ở các nước hệ thống luật lệ hoàn thiện và theo thị trường hoàn toàn. Việt Nam đang đi theo nền kinh tế thị trường, tư tưởng chỉ đạo về chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư thương mại nhất là chính sách giá đang đi tiệm cận tới nền kinh tế thị trường. Đây là vấn đề các DN cần phải lưu ý và trang bị cho mình trước khi có quyết định đầu tư ra nước ngoài.


Theo tôi, đối với lĩnh vực này, chúng ta đang bị yếu thế vì vốn ít, trình độ quản lý thấp, công nghệ hạn chế nên đầu tư ra nước ngoài thường bị yếu thế, nhất là trong trường hợp hệ thống luật lệ của các nước hoàn chỉnh và rất nghiêm. Cho nên nếu không được trang bị cẩn thận sẽ hiệu quả thấp và rủi ro.


DN của chúng ta hiện chưa vươn ra được là như thế, hiện chỉ đầu tư lại một số lĩnh vực tại một số nước nhỏ, quanh khu vực.


Tại dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, một số vấn đề như cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư ra nước ngoài; hay thẩm quyền quyết định các dự án đầu tư ra nước ngoài hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cần quản chặt hơn, nhưng cũng có ý kiến cần tạo thông thoáng hơn cho DN. Ông nghiêng về ý kiến nào hơn?


Tôi cho rằng, mặc dù hiện nay chưa có Luật điều chỉnh, các quy định về đầu tư ra nước ngoài mới được điều chỉnh ở tầm nghị định. Tuy nhiên, các quy định của chúng ta vẫn thoáng, tạo điều kiện để DN vươn ra thị trường mới, nhưng có thể thấy DN Việt Nam chưa đủ lực để phát triển đầu tư mạnh ở nước ngoài. Tôi cho rằng, đối với vấn đề này nên quy định thông thoáng để DN phát triển. Có thể bước đầu phải trả giá nhưng lại mua được bài học kinh nghiệm, từ đó DN có thể đứng vững trên những thị trường mới.


Có ý kiến cho rằng, quy định chặt chẽ là nhằm quản lý, kiểm soát dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, tránh gây thất thoát, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay?


Quan điểm như vậy là không phải, muốn DN phát triển được thì phải mở cho DN vươn ra thế giới, tất nhiên phải từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, nếu không thì DN sẽ không bao giờ trưởng thành. Đối với DN, “đồng tiền liền khúc ruột”, họ sẽ biết cách bảo vệ “túi tiền” của mình. Trong trường hợp thua lỗ, như tôi đã nói ở trên, thì ắt sẽ là bài học kinh nghiệm để học tiếp tục kinh doanh, vươn đến thành công.


Nếu cần góp ý về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội lần này, ông sẽ góp ý vấn đề gì?


Điều tôi lo lắng là dự thảo Luật có quá nhiều điều, nếu tôi nhớ không nhầm thì có khoảng 29 điều để Chính phủ quy định, đây chính là “chìa khóa” sẽ khiến Luật khi ban hành sẽ chậm đi vào cuộc sống.


Về tổng thể, tôi cho rằng, dự án Luật này phải là dự án luật khung mang tính dẫn dắt, hỗ trợ các Luật khác trong quy định về đầu tư nói chung. Vì là luật khung mang tính dẫn dắt nên các Luật khác phải tuân theo. Mặc dù có ý kiến cho rằng các luật chuyên ngành sẽ quy định cụ thể về hoạt động đầu tư có liên quan của ngành đó, tuy nhiên vẫn phải dẫn chiếu từ Luật Đầu tư này để đảm bảo tính thống nhất.


Xin cám ơn ông!



XM (ghi)