06:22 02/06/2011

Cần sự phối hợp đồng bộ

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, taxi dù, taxi nhái hoành hành khắp nơi. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.

Ý kiến


Chị Nasniya Mohd Taib (Malaixia):
Thất vọng taxi Sài Gòn
Vào khoảng 7 giờ ngày 10/5, chúng tôi bắt xe taxi 4 chỗ có logo M.taxi Group, số điện thoại bên hông là 08 39620620 đi từ chợ Bến Thành đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất. Khi đến gần sân bay, tài xế bắt chúng tôi xuống xe và buộc phải trả tiền cước taxi là 4 triệu đồng và 300 ringgit (tiền Malaixia). Thực tế quãng đường trên chỉ mất có 150.000 đồng. Khu vực chợ Bến Thành là một địa điểm du lịch nổi tiếng, nếu hoạt động taxi không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Mai Linh:Nhiều lần kiến nghị vẫn bặt tăm

Hiện tại có rất nhiều xe taxi nhái thương hiệu Mai Linh, trong đó hoạt động rầm rộ nhất tại khu vực chợ Bến Thành, bến Bạch Đằng và Nhà thờ Đức Bà. Hiện nay nhiều tài xế của hãng Mai Linh không dám vào đón khách tại các khu vực trên vì bị các đối tượng taxi dù hăm họa, ngăn cản. Mai Linh đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng giải quyết nhưng những taxi nhái này vẫn hoạt động. Để tránh đi nhầm xe taxi dù, taxi nhái, bị chèn ép, Hãng taxi Mai Linh khuyến cáo hành khách khi đi taxi cần chú ý đến trang phục tài xế, logo trên xe, số điện thoại trên xe. Việc du khách phản ánh tình trạng hoạt động của xe taxi dù đến trực tiếp Hãng Mai Linh không còn là chuyện cá biệt và ngày càng nhiều.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM:
Các doanh nghiệp taxi phải có thương hiệu nhận diện riêng
 
Tài xế cắt sẵn logo của các hãng uy tín để dán vào, khi phát hiện thanh tra hoặc GSGT thì nhanh chóng tháo logo phi tang khiến cơ quan chức năng bó tay. Thậm chí, nhiều tài xế còn chuyên nghiệp tới mức chuẩn bị sẵn nhiều logo để lúc nhái hãng này, khi nhái hãng khác. Do vậy, muốn đối phó với taxi nhái hiệu quả, chính doanh nghiệp bị nhái phải chủ động tham gia với các ngành chức năng. Các hãng cũng phải thay đổi logo, hình ảnh thương hiệu, đặc trưng của hãng mình và khuyến cáo rộng rãi để khách hàng biết.

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, taxi dù, taxi nhái hoành hành khắp nơi. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng.

Hiện nay có một thực tế là lúc kiểm tra thì mạnh ai nấy làm, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt hành chính cho xong chuyện, còn sau đó vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng, trong một buổi chất vấn tại Kỳ họp HĐND đã thừa nhận rằng, mang tiếng là Sở GTVT nhưng cũng không toàn quyền kiểm soát trên một tuyến đường. Ông nói: Cột điện thì điện lực quản lý, dây cáp thì của viễn thông, vỉa hè thuộc các quận, huyện, hạ tầng trên đường thì của Sở Xây dựng... Vì thế mà xảy ra chuyện “lô cốt” cố thủ trong thành phố từ năm này qua năm khác, chỉ vì mỗi khi đụng phải ống nước, dây cáp... thì đơn vị thi công phải dừng lại để làm công văn xin đơn vị chủ quản, khi nào được họ đồng ý mới tiếp tục làm, Sở GTVT muốn đẩy nhanh tiến độ công trình cũng bất lực.

Trở lại vấn đề taxi nhái, taxi dù, Nghị định 34 có hiệu lực từ ngày 20/5/2010, mức phạt cho hành vi nhái nhãn hiệu, xe không đúng biểu trưng so với đăng ký đã tăng lên mức từ 2,5 - 3 triệu đồng (so với trước đây từ 1 - 2 triệu đồng). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng với kiểu làm ăn chụp giựt của các taxi nhái như không cần đăng ký thương hiệu, đồng hồ tính cước không chuẩn, nhiều lúc còn ngã giá với khách... thì chỉ cần vài ngày đưa khách, những taxi này có thể kiếm đủ tiền nộp phạt.

Có một thực tế hiện nay là những loại taxi này chỉ “ngán” mỗi CSGT, tuy nhiên lực lượng này lại chỉ có chức năng xử phạt khi xe vi phạm các lỗi vi phạm giao thông. Bên cạnh đó việc quản lý taxi HTX quá lỏng lẻo, hiện nhiều HTX vận tải không còn quản lý được xã viên của mình. Các chủ xe chỉ cần nộp từ 50.000-70.000 đồng/tháng phí quản lý cho HTX để được cấp phù hiệu taxi, sau đó định kỳ 6 tháng mới quay về lấy giấy giới thiệu đưa xe đi kiểm tra lưu hành.

Đó là những kẽ hở lớn nhất dẫn tới số lượng taxi “dù” ngày càng tăng mạnh, trong khi TP.HCM lại đang có chủ trương hạn chế xe taxi vì gây thêm ùn tắc giao thông.

Trước tình hình đó, doanh nghiệp taxi chỉ còn cách kiện ra tòa. Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Pháp chế Công ty Vinasun, từ tháng 1/2010 đến nay, công ty đã khởi kiện ra TAND các quận, huyện 24 vụ liên quan đến hành vi giả bảng hiệu, hộp đèn, logo, số điện thoại của Taxi Vinasun, gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của công ty. Tòa đã tuyên phạt một số trường hợp vi phạm, buộc họ cam kết không tái phạm.

Thế nhưng “được vạ thì má đã sưng”, bằng chứng là hàng loạt khách hàng đến “mắng vốn” Công ty Mai Linh lừa đảo, lấy giá cao làm họ mất uy tín. Trước vụ 3 du khách Malaixia tới công ty phản ánh, nhiều hành khách cũng đã phản ánh tình trạng bị tình tiền cước quá cao. Có hành khách chỉ đi từ chợ Bến Thành đến Nhà thờ Đức Bà đã bị “chém” tới 300.000 đồng, một hành khách người Pháp đi xe taxi dù phản ánh khi đồng hồ chỉ có 64.000 đồng đã bị tài xế ép phải trả 640.000 đồng. Để ép hành khách phải trả tiền khi có phản ứng, các tài xế taxi dù sẽ khóa cửa xe, nạt nộ hành khách.

Đăng giới - Sĩ Dũng