02:07 28/02/2015

Cân nhắc mở rộng thẩm quyền điều tra của công an xã

Về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là phương án cho phép công an xã tiến hành một số điều tra ban đầu.

Tiếp tục Phiên họp thứ 35, sáng 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là phương án cho phép công an xã tiến hành một số điều tra ban đầu.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 35 của dự thảo bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Theo đó, Công an phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ, và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại phiên họp thứ 35, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.


Thường trực Ủy ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã đang được thực hiện theo Pháp lệnh công an xã (tiếp nhận, phân loại xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại... .) và không được coi là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. “Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu sẽ vượt quá khả năng của công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội”, ông Hiện cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Nguyễn Doãn Khánh cũng đề nghị không nên quy định công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự thảo luật. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, cần rà soát các quyền của công an xã trong Pháp lệnh để thể hiện trong Luật này cho phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013.

Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng dân tộc Ksor Phước lại tán thành quan điểm của ban soạn thảo. Theo ông Ksor Phước, dự thảo giao một số việc cho công an xã là hợp lý vì việc này không trái với Pháp lệnh hiện hành. Pháp lệnh công an xã đã nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của đối tượng này trong đó công xã thực hiện một số nội dung của công tác điều tra như: bảo vệ hiện trường ban đầu, lấy lời khai của người bị hại, bắt quả tang, tiếp nhận tự thú... Tuy nhiên, Chủ tịch hội đồng dân tộc lưu ý dự thảo cần ghi rõ mức độ tham gia của công an xã trong hoạt động điều tra.

Tránh phình to bộ máy cơ quan điều tra

Cũng tại phiên họp, các đại biểu băn khoăn trước quy định bổ sung một số ngành như: Kiểm ngư, cơ quan thuế, Ủy ban chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, phương án này không nhận được sự đồng tình.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc mở rộng diện các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như dự thảo là không phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, tinh giản đầu mối cơ quan điều tra, chưa phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp.

Bên cạnh đó, việc mở rộng này còn có thể gây sự chồng lấn chức năng nhiệm vụ của các cơ quan điều tra tại các địa bàn hoạt động của các ngành nghề này.



Thu Phương