09:00 13/09/2011

Cần ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng ở Krông Pa

Trong tháng 8/2011, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 30 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu gần 66 m3 gỗ, chủ yếu là nhóm I, IIA cùng nhiều phương tiện xe máy, xe độ chế dùng để vận chuyển gỗ.

Trong tháng 8/2011, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa (Gia Lai) đã phối hợp với các ngành chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 30 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu gần 66 m3 gỗ, chủ yếu là nhóm I, IIA cùng nhiều phương tiện xe máy, xe độ chế dùng để vận chuyển gỗ. Sau một thời gian tạm lắng, đến nay nạn vận chuyển gỗ lậu tại huyện Krông Pa lại bắt đầu nóng trở lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm, tại các ngả đường đi vào xã Ia Rsai, từng nhóm người với hàng chục xe gắn máy đã được độ chế sẵn sàng chuẩn bị cho một ngày vận chuyển gỗ. Đến giữa trưa, gỗ lậu bắt đầu được chuyển về. Càng đến chiều tối, gỗ được đưa về nhiều hơn với đủ loại như cẩm, hương, trắc, cà te...

Điều ngạc nhiên là sự việc diễn ra ngay trước Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

Không chỉ ở xã Ia Rsai, thời gian gần đây, các xã bên kia sông như Ia Rmok, Ia Dreh cũng là những địa chỉ nóng, hàng ngày từ 6 giờ sáng đến tối xuất hiện rất nhiều những chiếc xe máy chở gỗ lậu về thị trấn Phú Túc. Ông Nguyễn Đình Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Rsai, huyện Krông Pa cho biết: Thời gian qua, huyện và xã đã thành lập ban công tác phòng chống khai thác vận chuyển gỗ nhưng vẫn không thể ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển gỗ trái phép.

Huyện Krông Pa hiện có 87.000 ha rừng tự nhiên với khá nhiều loại lâm sản có giá trị. Vì vậy, các cánh rừng tự nhiên trên địa bàn huyện là địa chỉ hấp dẫn cho lâm tặc lén lút xâm hại. Ông Trần Đức Lương, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa cho biết: Chúng tôi cũng đã báo cáo tình hình về tỉnh. Ngoài việc tổ chức lực lượng tại chỗ, chúng tôi còn đề nghị tỉnh tăng cường thêm 2 đội kiểm lâm cơ động thường xuyên nằm tại địa bàn 2 xã Chư Rcăm và Ia Rsai vì đây là địa bàn nóng, tình trạng vận chuyển gỗ diễn ra tương đối thường xuyên với lực lượng tham gia rất đông.

Điều đáng nói là hàng năm, rừng tại huyện Krông Pa đều không có chỉ tiêu khai thác, số lượng gỗ nhập về địa bàn huyện lại không nhiều, vậy 49 cơ sở chế biến lâm sản ở huyện lấy nguyên liệu ở đâu để khai thác và hoạt động liên tục trong thời gian qua?

Nguyễn Hoài Nam