08:22 05/08/2011

Cần ngăn chặn tình trạng phá nhũ đá trong hang động ở Bắc Kạn

Từ ngày 28/7/2011 đến nay, hàng trăm người dân xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn và các vùng lân cận đã vào hang động mới được phát hiện. Hang động này ở gần khu Du lịch sinh thái Thác Riềng,thuộc thị xã Bắc Kạn chỉ hơn 100 mét, được phát hiện khi Công ty Thăng Long nổ mìn phá đá làm Quốc lộ 3B.

Từ ngày 28/7/2011 đến nay, hàng trăm người dân xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn (Bắc Kạn) và các vùng lân cận đã vào hang động mới được phát hiện. Hang động này ở gần khu Du lịch sinh thái Thác Riềng, cách Thác Bạc, thuộc thị xã Bắc Kạn chỉ hơn 100 mét, được phát hiện khi Công ty Thăng Long nổ mìn phá đá làm Quốc lộ 3B.

Các ảnh nhũ đá là các loại nhũ trong hang động mới phát hiện ở thôn Bản Pẹt, xã Xuất hoá, thị xã Bắc Kạn.



 

Theo anh Bùi Văn Tuấn, là người dân thôn Bản Pẹt, xã Xuất Hóa thì từ khi phát hiện ra hang động này, nhiều người tò mò vào xem, thấy nhiều nhũ đá rất đẹp, do hiếu kỳ đã đập, chặt đem về nhà, có người đã đem bán. Chính vì vậy nhiều người dân đã đổ xô đến hang này thi nhau “đập nhũ”. Đặc biệt, trong các ngày từ 1/8 đến 4/8, mỗi ngày có đến trên 100 người vào hang để “đập nhũ”.

Một số người dân có ý thức như anh Tuấn, chị Lệ đã báo cho Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch Bắc Kạn để ngăn chặn tình trạng phá nhũ đá trong hang động này, Sở VH-TT&DL đã đến xem hang, có ý kiến lấp cửa hang để bảo vệ, tuy nhiên việc lấp cửa hang chỉ làm chiếu lệ, không có người trông coi nên người dân vẫn tiếp tục vào được hang để "kiếm nhũ".

Các ảnh mảnh vỡ là những hình ảnh hiện trường bị người dân đập lấy nhũ trong hang động.

Sáng 5/8, Phóng viên báo Tin Tức tại Bắc Kạn đã đến hiện trường và vào hang để mục sở thị. Đây quả là một hang động rất đẹp, theo ước tính hang dài khoảng trên 500 mét, có nhiều tầng, chỗ cao nhất của trần hang trên 50 mét, lòng hang chỗ rộng nhất, chiều ngang đến trên 20 mét. Đặc biệt, trong hang có nhiều nhũ đá theo dạng cột nhũ, rèm nhũ, với nhiều dạng khác nhau và màu sắc cũng đa dạng, cả màu trắng, xám… Nhiều nhũ đá có hình nấm rất đẹp.

Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, một người đã từng tham gia khai khoáng nhiều năm ở các vùng đất trong cả nước, thì hang này thuộc dạng hang đẹp, có tuổi thọ cả ngàn năm. Vẻ đẹp so được với những hang động ở Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) và động Hua Mạ ở Ba Bể (Bắc Kạn).

Thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước về di sản của Bắc Kạn và của Bộ Văn hóa -Thể thao - Du lịch, nhất là UBND xã Xuất Hóa và thị xã Bắc Kạn cần có ngay biện pháp bảo vệ, ngăn chặn sự “tàn phá” nhũ đá, bảo vệ sự nguyên sơ của hang động nói trên.

Nguyễn Trình