05:07 12/05/2017

Cần liên kết chặt chẽ trong từng lĩnh vực cụ thể

Sau khi Báo Tin tức Cuối tuần số 17+18 đăng chuyên đề “Liên kết để khai thác tiềm năng đồng bằng sông Cửu Long”, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý, gắn bó với vùng đất này nêu thêm những giải pháp thực hiện chủ trương liên kết vùng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Thạc sỹ Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ:

Cần động lực mới để phát triển đồng bằng sông Cửu Long

Cần liên kết vùng chặt chẽ để phát triển thế mạnh nông nghiệp.

Chính sách đất đai, phát huy vai trò kinh tế nông hộ... đã từng đem lại nhiều thành công, tạo ra diện mạo mới cho ĐBSCL, nhưng hiện nay chính sách này đang làm mất dần động lực, khi nông hộ, nền nông nghiệp nhỏ lẻ đang đứng trước thách thức mới, thiếu kết nối giữa sản xuất - thị trường. Hàng nông sản đang ngày càng kém hiệu quả, sức cạnh tranh yếu. Thực trạng biến đổi khí hậu, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn, an ninh nguồn nước sông Mê Kông đang đe dọa “vựa lúa quốc gia”.


Để ĐBSCL phát triển, rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Các mô hình mới này phải được bắt đầu chính từ nội lực của vùng, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ và từ doanh nghiệp và những chính sách mới năng động, quyết liệt để biến các nguồn lực từ yếu tố sản xuất, trở thành nội lực mới từ thị trường bằng mô hình tăng trưởng mới.

Đó là việc thay đổi mô hình nền nông nghiệp ĐBSCL từ “vườn nhà, đồng vàng” thành “chợ lớn” của hội nhập quốc tế. Song song đó là việc quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu của thị trường. Các địa phương tạo môi trường thuận lợi để tăng cường các mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với người dân, giữa người dân với người dân, nhằm tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.


Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang:

Cần đẩy mạnh liên kết vùng tứ giác Long Xuyên


Tiểu vùng tứ giác Long Xuyên (TGLX) hiện là vựa lúa lớn nhất ĐBSCL và cả nước. Để tiếp tục khai thác hiệu quả vùng đất màu mỡ và rộng lớn này, một trong những giải pháp được đề ra là liên kết, hợp tác sản xuất giữa các địa phương nằm trong tiểu vùng, nhằm tạo được lợi thế của vùng và cân đối lợi ích giữa các địa phương. Liên kết vùng sẽ giải quyết được những vấn đề mà một địa phương không thể giải quyết như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, khô hạn, quản lý, kiểm soát và điều tiết nguồn nước, tài nguyên đất đai; bảo vệ môi trường...


Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề liên kết vùng cũng mới chỉ xoay quanh việc chia sẻ nguồn nước. Thực tế sản xuất nhiều năm qua ở khu vực TGLX, cho thấy các mô hình hợp tác, liên kết đã mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế thế giới thì việc liên kết càng trở nên cấp thiết. Chỉ có liên kết mới tạo được lợi thế cạnh tranh, tạo ra nguồn sản phẩm có khối lượng lớn, chất lượng cao đáp ứng tốt cho thị trường.


Ông Mai Văn Huỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang:

Liên kết chặt chẽ trong hoạt động du lịch

Chùa Khmer, một nét văn hóa đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long.

Để phát triển du lịch khu vực ĐBSCL, các địa phương không nên hoạt động đơn lẻ mà cần phải liên kết lại trong phát triển du lịch và đưa việc liên kết đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất. Liên kết giữa các địa phương, đất liền với biển, đảo, liên kết trong quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Chỉ khi nào lợi ích, hiệu quả của việc liên kết phát triển du lịch vùng được nhận thức đầy đủ thì việc liên kết phát triển du lịch mới trở thành nhu cầu tự thân của địa phương trong vùng.


Các địa phương trong vùng có thể phân công sản phẩm du lịch trên cơ sở thế mạnh du lịch của từng địa phương, tạo nên một tour du lịch liên kết cho cả vùng. Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang du lịch miệt vườn, kết hợp với các di tích lịch sử, làng cổ. Tỉnh Bến Tre là tham quan các cồn, làng nghề hoa kiểng, cây giống. Tỉnh Trà Vinh là tham quan thắng cảnh Ao Bà Om, khai thác văn hóa Khmer, lễ hội... về Bạc Liêu nghe đờn ca tài tử, về Vĩnh Long sống cùng với dân miệt vườn, sống trong không khí các làng nghề truyền thống... quá trình liên kết và phân công sản phẩm du lịch như vậy sẽ giúp du khách không bị nhàm chán và có thể khám phá ĐBSCL trong nhiều ngày.


Tỉnh Vĩnh Long cũng du lịch miệt vườn nhưng tại các cù lao, loại hình du lịch lưu trú tại nhà dân đối với du khách quốc tế, gắn liền với các làng nghề truyền thống... Hay như nói đến đờn ca tài tử thì chỉ nên ưu tiên cho Bạc Liêu khai thác... Đó là những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương đã tạo nên một tuyến du lịch đầy hấp dẫn và phong phú sản phẩm du lịch trong một cuộc hành trình trải nghiệm tại ĐBSCL. Có như vậy, du khách phải đi ít nhất 13 ngày mới khám phá hết du lịch ĐBSCL.

 

L.H