07:00 27/07/2012

Cần khắc phục bất cập về quy định cấp bù học phí

Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2015, đã có hiệu lực từ 1/7/2010.

Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2015, đã có hiệu lực từ 1/7/2010.

 

Sinh viên nộp học phí tại phòng Tài vụ, trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Ảnh: CTV

 

Theo đó, các sinh viên thuộc đối tượng chính sách đều phải đóng 100% học phí tại trường sau đó làm thủ tục miễn giảm để được nhận lại khoản tiền đã đóng tại địa phương. Theo Thông tư 29 hướng dẫn thực hiện Nghị định 49, sau 15 ngày kể từ ngày nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn giảm lên cơ quan chức năng, gia đình chính sách sẽ được hoàn trả tiền học phí đã đóng. Quy định là vậy, đã 1 năm trôi qua mà các gia đình chính sách ở Nghệ An vẫn chưa được nhận tiền. Hỏi các ngành chức năng thì chỉ nhận được câu trả lời: Đang chờ nguồn cấp trên rót về.


Rất nhiều gia đình khi bước vào năm học mới đã phải chạy đôn chạy đáo vay mượn để nộp học phí cho con em mình. Gia đình bà Nguyễn Thị Ngân ở khối 6, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, vừa là hộ nghèo, vừa là gia đình bệnh binh, phải nuôi cùng một lúc 4 đứa con đang học đại học. Năm học 2010-2011, gia đình đã vay tiền để các cháu nộp học. Năm học cũ trôi qua, năm học mới sắp bắt đầu, chờ mãi vẫn không thấy được hưởng chế độ. “Nghị định này mang lại lợi ích cho những gia đình chính sách có con em đang học tập, tuy nhiên với phương thức nhà trường thu, địa phương hoàn trả cộng với hồ sơ thủ tục rườm rà khiến người dân rất mệt mỏi vì chờ đợi. Năm học mới lại sắp bắt đầu, mong các ngành chức năng giải quyết nhanh chóng, cấp tiền về để chúng tôi trả nợ cho ngân hàng”, bà Ngân hy vọng.


Năm học 2011-2012, thị xã Cửa Lò có 2.428 đối tượng với số tiền cấp bù học phí lên tới 1,5 tỷ đồng, song đến thời điểm này vẫn chưa có đối tượng nào được nhận. Đại diện Phòng Lao động của thị xã cho biết: Đã hoàn tất thủ tục, hồ sơ đầy đủ gửi lên ngành chức năng, hiện đang chờ nguồn cấp trên rót về để phân bổ cho các đối tượng.

 
Theo tìm hiểu của phóng viên về việc thực hiện Nghị định 49, cả đối tượng thụ hưởng và những người làm công tác chính sách đều khá mệt mỏi. Để được xét duyệt cấp bù tiền miễn giảm học phí, các đối tượng phải có đơn đề nghị được miễn giảm có xác nhận của nhà trường, có giấy khai sinh, biên lai thu tiền học phí. Mà biên lai thu tiền cũng không phải là căn cứ mức miễn giảm mà căn cứ theo quy định tại Nghị định. Từng ngành học, từng trường đại học, cao đẳng, trung cấp có những quy định khác nhau. Tiền cấp bù chưa có để trả thì khổ cho đối tượng được thụ hưởng, nhưng đến khi có để trả cũng sinh ra bức xúc vì có người nộp học phí thấp nhưng được hưởng mức cao, có người phải nộp học phí cao nhưng lại được hưởng mức thấp. Dự toán nhu cầu kinh phí theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội gửi UBND tỉnh Nghệ An với tổng số tiền cấp bù học phí và hỗ trợ chi phí học tập trên địa bàn toàn tỉnh là gần 145 tỷ đồng. Hiện 74 tỷ đồng tiền hỗ trợ chi phí học tập đã được chuyển về các địa phương, còn tiền cấp bù học phí thì chưa có. “Đây là nguồn ngân sách cân đối của tỉnh thông qua Sở Tài chính, bởi vậy tắc ở Sở Tài chính”, bà Hồ Thị Thủy - Trưởng phòng Chính sách Người có công, (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết.


Cũng theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, qua thực tế, nội dung Nghị định 49 rất tốt nhưng để quản lý, điều hành, thực hiện thì lòng vòng, mất rất nhiều thời gian. Theo Nghị định, một năm chi trả 2 lần theo 2 học kỳ, tuy nhiên nếu theo quy trình của văn bản chỉ đạo thì chi trả không kịp tiến độ bởi hồ sơ thủ tục phải thông qua nhiều bước, nhiều khâu kiểm duyệt từ tập hợp trong dân đến xác nhận của trường nên chậm là tất yếu. Nên giao về một mối, cụ thể là giao cho các trường thực hiện miễn giảm sau đó cấp nguồn về thẳng cho các trường đó thì hợp lý hơn, giải quyết nhanh gọn hơn. Bên cạnh đó là bản khai, năm này như vậy và năm sau cũng khai như vậy, không có gì thay đổi. “Nên chăng, đối tượng thụ hưởng chỉ nên làm tờ khai bổ sung khi có sự thay đổi chứ không phải làm lại cả bộ hồ sơ như bây giờ, như vậy sẽ giải quyết nhanh gọn hơn, giảm thủ tục phiền hà”, bà Hoàng Thị Mỹ Dung - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Cửa Lò đề nghị.


Bích Huệ