06:22 27/06/2012

Cần hình thành cho trẻ tình yêu tiếng Việt

Một thực tế đáng buồn là học sinh ở bậc học mầm non và tiểu học - lứa tuổi vốn nhạy cảm, rất cần trau dồi tiếng mẹ đẻ cho thật chuẩn thì nhiều em lại sử dụng ngoại ngữ một cách tùy tiện, vô tội vạ, không phù hợp với mục đích và hoàn cảnh giao tiếp.

Vẫn biết rằng, việc cho trẻ sớm tiếp xúc với ngoại ngữ là điều hết sức cần thiết, nhất là trong thời kì hội nhập ngày nay. Tuy nhiên, không nên vì thế mà sao nhãng trau dồi việc sử dụng tiếng Việt cho trẻ. “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, cách nói nôm na, hình tượng ấy cho thấy phần nào tính chất phong phú, phức tạp của ngữ pháp Việt Nam nói riêng, ngôn ngữ Việt nói chung. Có thể khẳng định, ngôn ngữ Việt Nam hết sức đa dạng, phong phú và tinh tế. Nó phản ánh tâm hồn, cốt cách văn hóa giao tiếp của người Việt.


Điều này đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn sử dụng của ngôn ngữ. Sử dụng tiếng Việt như thế nào cho đúng, cho hay và nhất là phù hợp với từng ngữ cảnh giao tiếp cụ thể không phải là việc dễ dàng. Ngày nay, trước sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai, sự trong sáng của tiếng Việt có nguy cơ bị đe dọa bởi tiếng lóng được dùng tràn lan. Đặc biệt là việc sử dụng ngoại ngữ tùy tiện, không đúng lúc, đúng chỗ. Điều đáng nói là hiện tượng trên đang có xu hướng lan rộng trong giới học sinh.


Một thực tế đáng buồn là học sinh ở bậc học mầm non và tiểu học - lứa tuổi vốn nhạy cảm, rất cần trau dồi tiếng mẹ đẻ cho thật chuẩn thì nhiều em lại sử dụng ngoại ngữ một cách tùy tiện, vô tội vạ, không phù hợp với mục đích và hoàn cảnh giao tiếp. Chẳng hạn khi gặp người lớn, thay vì những lời chào thân thương, gần gũi theo truyền thống văn hóa của người Việt thì nhiều em lại chỉ “hê lô”, “gút bai”, “hai”; khi nhất trí hay đồng ý về một vấn đề nào đó, thay vì những lời vâng, dạ là “ô kê”, lời cảm ơn được thay bằng “thanh kiu”.


Lối sử dụng ngoại ngữ tùy tiện như thế rất chướng tai và gây phản cảm đối với người nghe. Điều đáng bàn là nhiều bậc phụ huynh không ý thức được tác hại của lối sử dụng ngoại ngữ lai căng, tùy tiện ấy đã không ngăn chặn, uốn nắn kịp thời. Thậm chí một số người còn tỏ ra tự hào, hãnh diện vì cho rằng con mình sớm tiếp xúc với ngoại ngữ và có thể sử dụng ngoại ngữ để giao tiếp.


Tác hại trước mắt của hiện tượng này là xuất hiện ở trẻ tâm lý dễ dãi, hời hợt trong việc sử dụng ngôn ngữ. Về lâu về dài, nếu hiện tượng trên không được uốn nắn, điều chỉnh kịp thời, có thể hình thành ở trẻ những suy nghĩ lệch lạc về ngôn ngữ dân tộc, về tính văn hóa, bản sắc trong văn hóa giao tiếp của người Việt.


Cha ông ta từng dạy “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngay từ khi trẻ bắt đầu có khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ, cần sớm hình thành cho trẻ tình yêu đối với tiếng Việt. Bởi tiếng Việt rất giàu và đẹp, lại là thứ ngôn ngữ hết sức gần gũi, thân thiết. Vẫn biết rằng, việc cho trẻ sớm tiếp xúc với ngoại ngữ là điều hết sức cần thiết, nhất là trong thời kì hội nhập ngày nay.


Vì thế mà các bậc phụ huynh không được sao nhãng trau dồi việc sử dụng tiếng Việt cho trẻ. Bởi khi có vốn từ vựng tiếng Việt phong phú, có những hiểu biết cơ bản về ngữ pháp tiếng Việt, việc học và sử dụng ngoại ngữ sẽ gặp nhiều thuận lợi. Điều quan trọng là để việc sử dụng ngoại ngữ của trẻ không còn tùy tiện, phản cảm, người lớn phải là tấm gương sáng khi sử dụng tiếng Việt trong quá trình giao tiếp hàng ngày.


Lê Thúy Mong