07:10 02/07/2014

Cần đốn gốc thay chặt ngọn

Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 171/CP rất khó đi vào cuộc sống; thay vì tập trung xử phạt người tham gia giao thông – người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần hướng các chế tài mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Cần “đốn gốc, thay vì chặt ngọn”.

Ghi nhận từ ngày đầu tiên triển khai Kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia thực hiện xử phạt đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp máy đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP cho thấy nhiều vướng mắc cả đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng Nghị định 171/CP rất khó đi vào cuộc sống; thay vì tập trung xử phạt người tham gia giao thông – người tiêu dùng, cơ quan chức năng cần hướng các chế tài mạnh mẽ đối với các cơ sở sản xuất, cung cấp mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Cần “đốn gốc, thay vì chặt ngọn”.

Thực tế cho thấy, người dân khi mua một chiếc mũ bảo hiểm, rất khó để nhận biết đâu là mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đâu là mũ bảo hiểm "trá hình". Từ nhiều năm nay, trên khắp các tuyến phố ở cả đô thị lẫn nông thôn, mũ bảo hiểm được bày bán tràn lan, từ cửa hiệu chuyên biệt, đến vỉa hè. Không khó để tìm kiếm những chiếc mũ "trá hình" là mũ bảo hiểm được gọi là mũ bảo hiểm thời trang được bày bán rộng rãi.

Cảnh sát giao thông đội 14, Công an thành phố Hà Nội xử phạt người điều khiển phương tiện xe gắn máy vi phạm Luật giao thông đường bộ trong ngày 30/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN


Với giới trẻ, nhất là phụ nữ, tiêu chí để chọn cho mình một chiếc mũ bảo hiểm thay vì loại to, nặng là những chiếc mũ bảo hiểm có hình thức đẹp, màu sắc đa dạng, hợp với màu xe, màu túi và nhất là phải gọn, nhẹ. Thậm chí phải được khoét lỗ phía sau để không bị ép tóc. Dễ nhận thấy, hầu hết những chiếc mũ bảo hiểm theo tiêu chí này có nguồn gốc không rõ ràng, hoặc hàng đẹp mã nhưng kém chất lượng. Nhiều chiếc, người sử dụng chỉ cần đánh rơi là có thể vỡ, nứt, hư hỏng chứ chưa cần chịu lực, chịu va đập theo quy chuẩn an toàn. Đã có hàng triệu chiếc mũ "bảo hiểm" như vậy được bán đến tay người tiêu dùng và ngày ngày, được sử dụng để tham gia giao thông.

Không chỉ “làm khó” người dân bằng việc buộc phải biết, đâu là mũ bảo hiểm đạt chuẩn, quy định mới còn dẫn đến hệ quả người tham gia giao thông nếu không muốn bị xử phạt thì buộc phải mua mới mũ bảo hiểm thay cho hàng triệu những chiếc mũ bảo hiểm kiểu “thời trang” mỏng manh, không đạt chuẩn mà mình đang sử dụng từ nhiều năm qua.

Để mũ bảo hiểm không đạt chuẩn lưu hành trên thị trường là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới có thể kết luận sau khi tiến hành kiểm định một loại mũ bảo hiểm trên thị trường là đạt chuẩn hay không đạt chuẩn. Điều này cũng dẫn đến một thực tế, để xử lý hành vi vi phạm theo Nghị định 171/CP, cảnh sát giao thông cũng buộc phải có căn cứ kết luận loại mũ người tham gia giao thông sử dụng là không đạt chuẩn. Trong khi, nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm định, quản lý thị trường. Nếu không giải quyết được mâu thuẫn này, việc áp dụng chế tài xử phạt theo Nghị định 171/CP là rất khó khả thi.

Khuyến khích người dân mua và sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng khi tham gia giao thông là hoàn toàn chính xác. Trước hết, là để đảm bảo tốt hơn an toàn, tính mạng của người tham gia giao thông, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông; đồng thời hạn chế việc buôn bán, lưu hành mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ bảo hiểm giả trên thị trường. Tuy nhiên, thay vì xử phạt, nên chăng, thời gian này, lực lượng chức năng cần chú trọng các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở và đặc biệt, tập trung truy quét hàng giả, hàng nhái từ tận gốc sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông.


Quang Vũ