01:16 28/01/2015

Cần định hướng thị trường để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Đa số, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay vừa thừa, vừa yếu, chưa gắn với DNVVN. Mặt khác, Chính phủ cũng chưa định hướng thị trường nào trọng tâm nhất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế tại buổi tọa đàm về Phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua.


Tọa đàm Công nghiệp hỗ trợ phải gắn với DNVVN


Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay vừa thừa, vừa yếu, chưa gắn với DNVVN. Mặt khác, Chính phủ cũng chưa định hướng thị trường nào trọng tâm nhất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.


Hiện nay, nhiều tập đoàn công nghệ cao lớn của thế giới đã lựa chọn đầu tư tại Việt Nam như: Intel, Samsung… nhưng số lượng doanh nghiệp trong nước có khả năng cung ứng các linh kiện, nguyên liệu – những sản phẩm chính của ngành công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn trên rất ít, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cung ứng.


Trong thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 95% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 42% tổng số lao động trong toàn ngành công nghiệp, nhưng ch tạo ra 21 % doanh thu, 6,7% lợi nhuận và 9,8% về nộp ngân sách. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1,8%, so với toàn ngành là 6,9%.


ngành vải có đến 70-80% là nhập nguyên liệu


Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây ngành vải có đến 70-80% là nhập nguyên liệu, mình chỉ gia công rồi xuất khẩu đi, nên giá trị kim ngạch xuất khẩu chỉ mang tính tượng trưng nhiều.Nếu chỉ có gia công như hiện nay thì chúng ta chỉ có những con số lớn mà giá trị thực sự hơi thấp. Do đó, nếu chúng ta phát triển được về nguyên liệu, phụ liệu thì chúng ta sẽ cải tiến được phương thức kinh doanh thì giá trị sẽ tăng rất nhanh. 


Đồng tình quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Hiệp hội cao su nhựa TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ngành cao su nhựa TP Hồ Chí Minh đến bây giờ mới tham gia vào lĩnh vực công nghệ hỗ trợ với số lượng rất nhỏ. Lốp xe máy khoảng 70%, các ngành điện tử 40%, ô tô khoảng 10%..., chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.


Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới và trong khu vực, đã mở ra cho nền công nghiệp nước nhà nhiều cơ hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, cần có cơ chế chính sách mang tính đột phá để tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với DNNVV. Đồng thời, cần phải xem công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực cần được ưu tiên để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.


Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh khuyến nghị, doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh, xem đầu vào của mình đến đâu, sản xuất bằng công nghệ gì và bán cho ai là những vấn đề cần phải tính. Chúng tôi kiến nghị, Chính phủ tạo được những vùng nguyên liệu ổn định, muốn may mặc thuận lợi vào thị trường Mỹ thì phải chứng minh được đầu vào của mình”, ông Minh nói.


Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặt khác, phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với DNVVN là một hướng đi đúng đắn, qua đó cũng góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập. Trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc kinh tế để phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu đối với kinh tế thành phố, đặc biệt là công nghiệp khi hội nhập. Thông qua ý kiến của các DN, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu, sửa đổi chính sách cho phù hợp với tình hình mới, tạo động lực mạnh mẽ để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển bền vững.



Tin, ảnh: Hải Yên