12:00 26/12/2012

Cần có những thay đổi trong các điều lệ tổ chức liên hoan nghệ thuật

“Từ khi Nhà nước bắt đầu tổ chức lại cách phong tặng danh hiệu nghệ sĩ thì những liên hoan hội diễn đã bị một số ít người lợi dụng... Có những người chưa đến liên hoan đã nói nhất định mình sẽ có huy chương, điều ấy là sự đau lòng.

Nhà viết kịch Chu Thơm, người từng trong ban tổ chức, ban chỉ đạo của nhiều kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật trước đây, khi ông còn ở vị trí Phó trưởng Phòng nghệ thuật của Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Từ khi Nhà nước bắt đầu tổ chức lại cách phong tặng danh hiệu nghệ sĩ thì những liên hoan hội diễn đã bị một số ít người lợi dụng... Có những người chưa đến liên hoan đã nói nhất định mình sẽ có huy chương, điều ấy là sự đau lòng. Sân khấu như bánh đúc bày sàng, hàng ngàn người xem, vậy mà có những anh diễn sai, nói nhịu... vẫn được vàng, vở diễn rất kém vẫn có huy chương thì đấy là vấn đề cần nghiêm túc xem xét”.


 

Tiết mục "Chuyện tình của biển" của Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn tham gia Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 - năm 2012.

 

Khi được hỏi về những băn khoăn đối với các kỳ liên hoan, hội diễn, NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát cải lương Hà Nội cho biết: “Trước hoặc sau các kỳ hội diễn, liên hoan luôn đặt ra cho đơn vị nghệ thuật, cơ quan chủ quản nhiều áp lực lớn. Thứ nhất, đi phải có giải, nếu về không có giải thì rất khó ăn khó nói. Diễn viên được giải thì không nói làm gì, họ sẽ yêu nghề, tâm huyết, gắn bó, phấn đấu cho mình và cho đơn vị. Ngược lại, có những diễn viên cho rằng, đúng ra mình phải được huy chương nhưng lại không được thì sẽ rất tâm trạng, không muốn phấn đấu, thậm chí bỏ nghề, gây ảnh hưởng rất nhiều tới công tác quản lý. Chưa kể đến sự vắng mặt của thế hệ trẻ như sự hi sinh cần thiết vì yêu cầu có đủ huy chương cho các anh, chị lớn tuổi hơn...”.


Không ít những người có tâm, có tầm đã chỉ ra như một xu hướng đang trở thành vấn nạn tại các liên hoan, hội diễn là việc các đoàn, các nhà hát luôn cố gắng đưa vào dàn dựng tác phẩm của những người có chức trách vì những cái tên đó như một sự đảm bảo nhất định đối với vở diễn. Đặc biệt là nếu những cái tên đó lại là của các vị ngồi trong ban giám khảo.


Với những người từng được gọi đùa bằng cái tên “những ông vua sàn gỗ”, cùng những người có một phần quyền năng đối với các quyết định chấm như thế nào đó là ban tổ chức, ban chỉ đạo thì điều người ta mong mỏi hơn cả là một trình độ thẩm định chuyên môn giỏi, một cái tâm trong sáng, công minh để có thể cầm cân nảy mực, khiến cả đội ngũ làm nghề tâm phục khẩu phục với mỗi quyết định của họ. Vậy nhưng gần đây, không ít bức xúc đã được đặt ra với những chiếc ghế giám khảo, những thành viên trong ban chỉ đạo, ban tổ chức này. Nếu nhìn bề ngoài, người ta đã thấy sự trùng lặp, mà ông bà ta hay nói “tình ngay lý gian” khi mà những tấm huy chương ở các kỳ cuộc rơi không ít vào những đơn vị có những người này tham gia ở thành phần tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ... Với tư cách một trưởng đơn vị dự thi liên hoan, NSƯT Trần Quang Hùng cho rằng: “Những đánh giá, suy nghĩ về những việc tiêu cực xảy ra do các thành viên ban giám khảo, cũng chỉ là suy đoán. Đứng về mặt quy chế thì... hoàn toàn chưa có điều gì cấm đoán về sự tham gia của họ vào tác phẩm dự thi cả. Còn nếu có chuyện này chuyện kia thì tùy vào suy nghĩ của mỗi người”.


Tuy nhiên, nhà viết kịch Chu Thơm lại không tán thành việc các thành viên có trách nhiệm đối với vấn đề trao giải của các kỳ liên hoan, hội diễn lại có tên trong thành phần sáng tạo tác phẩm đi dự thi. Ông cho rằng: “Cái việc mà thành viên ban giám khảo có tác phẩm dự thi đã gây ra rất nhiều bức xúc. Điều này có thể lấy ví dụ cụ thể từ ý kiến của NSND Lê Tiến Thọ, vị cựu Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nói: “Cần làm rõ vai trò của ban chỉ đạo, quy định rõ thành viên trong ban chỉ đạo, ban tổ chức, hội đồng giám khảo không có tác phẩm tham gia dự thi, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Và phải thay đổi giám khảo đi, đừng để kỳ liên hoan nào, hội diễn nào cũng là những gương mặt ấy. Bên cạnh người già cần có người trẻ. Chúng ta phải làm sao đừng có bè phái trong chấm thi kiểu tôi yêu con anh đấy, anh yêu con tôi đi. Và việc cứ giám khảo là có huy chương vàng thì rất cần thay đổi...”.


Còn NSND Lê Huy Quang lại cho rằng: “Đúng là theo qui chế thì không vi phạm nhưng cứ sạch thì vẫn hơn. Dù rằng, ban giám khảo cương quyết gạt bỏ tác phẩm không hay và cũng đã có người làm giám khảo mà tác phẩm không được gì. Tuy nhiên, nếu có tác phẩm tham gia mà ngồi ban giám khảo thì vẫn cứ gờn gợn với nghệ sĩ, với công chúng. Như bên mỹ thuật thì đã ngồi hội đồng thẩm định, anh không gửi tranh mà đã có tranh tham gia thì anh ra khỏi hội đồng”.


Nhạc sĩ Hoàng Đạt, Phó giám đốc Nhà hát cải lương VN cũng rất mong mỏi, các nghệ sĩ ngồi xem từng đêm diễn để có thể cảm thông với những quyết định của ban giám khảo chứ cứ diễn xong là về rồi thì thắc mắc, ý kiến nọ kia là rất khó để bàn thảo...


Thực tế, trong một số kỳ liên hoan gần đây, người của ban tổ chức, ban giám khảo, ban chỉ đạo vẫn là những người có tác phẩm dự thi, và những tác phẩm được huy chương vẫn có thành viên ban giám khảo, ban chỉ đạo, ban tổ chức. Điều này khiến người ta lại lo ngại như sau tất cả những cuộc liên hoan, hội diễn và câu hỏi về sự công tâm cần thiết lại một lần nữa bị treo lơ lửng...


Cao Ngọc