01:19 30/01/2015

Cần có lộ trình cho Nghị định mới nói về cá tra

Những điều kiện trong NĐ 36 tuy ngặt nghèo nhưng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn bằng việc đầu tư vào sản xuất sản phẩm theo hướng giá trị gia tăng.

Ngày 20/6/201,4 Nghị định 36/2014/NĐ - CP (NĐ 36) của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra có hiệu lực với kỳ vọng sẽ lập lại trật tự, quản lý ngành hàng cá tra theo hướng tạo điều kiện nâng cao giá trị, sản xuất bền vững.

Nhưng theo ý kiến của nhiều người trong cuộc, Nghị định đang là lực cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.

NĐ 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra là cần thiết nhưng cần có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện nhằm bạn chế “sốc” cho doanh nghiệp.


Nhiều vướng mắc

Tại buổi tổng kết về xuất khẩu thủy sản được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các quy định trong NĐ 36 đang làm gián đoạn công việc sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.

Theo đó, số lượng cá tra phi lê tồn kho do bị vướng quy định về tỷ lệ độ ẩm và tỷ lệ mạ băng của NĐ 36 hiện khoảng 362.000 tấn và nếu không có giải pháp tháo gỡ, con số này sẽ còn gia tăng.

Theo các doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần quy định phải ghi rõ tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm phi lê cá tra xuất khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu chứ không nên áp đặt con số cụ thể như NĐ 36.

Riêng với hàm lượng nước cho phép, thay vì quy định hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm như trong NĐ 36, ngành nông nghiệp cần tiến hành nghiên cứu từ đó có cơ sở khoa học và thực tiễn quy định, kèm theo là lộ trình hợp lý để giảm dần chứ không nên vội vàng áp đặt.

Ngoài ra, thủ tục đăng ký xuất khẩu cá tra, quy định về thu phí thẩm định điều kiện kinh doanh thương mại cá tra cần xem xét bỏ vì gây khó và đi ngược lại chủ trương của Chính phủ là tìm mọi biện pháp để tiết giảm các khoản phí và lệ phí thu của doanh nghiệp.

“Năm qua là năm thứ ba liên tiếp giá trị xuất khẩu cá tra nằm ở đường ngang khi vẫn duy trì con số khoảng hơn 1,7 tỷ USD. Nguyên nhân là do khó khăn về thị trường, xu hướng tụt dốc về giá, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đang trong quá trình tái cơ cấu...

Hiện con cá tra Việt Nam vẫn chưa xây dựng thương hiệu đủ mạnh để các nhà nhập khẩu chấp nhận mua. Trong khi nếu thực hiện theo đúng NĐ 36 sẽ nâng giá thành quá cao, dễ làm mất đến khoảng 40% thị trường”, ông Trần Văn Lĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, cho biết.

Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), cho rằng sự ra đời của NĐ 36 là cần thiết song cần phải có lộ trình giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản “thích nghi”.

Đặc biệt, trong bối cảnh đầy khó khăn hiện nay khi các thị trường nhập khẩu cá tra hồi phục chậm sau khủng hoảng kinh tế, nhiều thị trường truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ đã giảm nhập khẩu do tác động của vụ kiện chống bán phá giá; Nga còn những vướng mắc về thủ tục và các thị trường khác lại chủ yếu nhập khẩu cá tra phi lê ở mức giá thấp...

Trong khi đó, khi ban hành NĐ 36, các ngành chức năng chưa xem xét kỹ những yếu tố về thị trường, những vấn đề khác trong chuỗi chất lượng bao gồm giống, thức ăn, nuôi, chế biến... đã tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất kinh doanh của không ít doanh nghiệp.

Khó nhưng vẫn phải làm

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ đã có kiến nghị Chính phủ chấp thuận tạm hoãn thời điểm thực hiện hai quy định trong NĐ 36 vốn bị doanh nghiệp “kêu trời” là hàm lượng ẩm và tỷ lệ mạ băng trong chế biến và xuất khẩu sản phẩm phi lê cá tra đến hết ngày 31/12/2015.

Theo ông Lĩnh, động thái này đã kịp thời giúp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam giải tỏa bớt căng thẳng, khó khăn do thời hạn thực thi gần kề mà không kịp giải quyết hàng tồn, không có thời gian thuyết phục khách hàng hay thị trường chấp nhận sản phẩm theo quy định mới.

Nhiều năm gắn bó với con cá tra, ông Dương Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Hùng Vương, cho rằng để thực hiện NĐ 36 về con cá tra thì phải đi từ gốc, phải làm sao tạo được sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà quản lý để phát triển.

Những điều kiện trong NĐ 36 tuy ngặt nghèo nhưng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững hơn bằng việc đầu tư vào sản xuất sản phẩm theo hướng giá trị gia tăng, thay vì chỉ chăm chăm bám vào sản phẩm phi lê như thời gian qua. Ngay từ lúc này, các doanh nghiệp cần chú ý đầu tư có hướng phát triển thích nghi theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, chế biến giá trị gia tăng...

“Hiện số lượng doanh nghiệp chế biến cá tra theo hướng này không nhiều và chỉ tập trung ở những đơn vị lớn. Theo tôi, các doanh nghiệp cần giảm phụ thuộc bán cá phi lê, chuyển hướng đầu tư vào những sản phẩm giá trị gia tăng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, cạnh tranh dựa trên năng suất và chất lượng”, ông Minh cho biết.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thời gian tới, Bộ sẽ giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thực hiện nghiên cứu khoa học về hàm lượng ẩm, nhằm có kết quả khoa học làm căn cứ thực hiện trong NĐ 36.

Ngoài ra, Bộ cũng giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn của các doanh nghiệp cá tra đối với hai quy định trên, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm cá tra của nước ta trên thị trường quốc tế và trong nước.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa