06:17 12/06/2011

Cần có chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt dự thảo chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó bao gồm các giải pháp để cải thiện hệ thống an sinh xã hội hiện nay...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt dự thảo chiến lược An sinh xã hội giai đoạn 2011-2020, trong đó bao gồm các giải pháp để cải thiện hệ thống an sinh xã hội hiện nay. Điều này dựa trên một nghiên cứu mới đây về tác động của lạm phát tăng cao đối với các bộ phận dân cư, đặc biệt là nhóm người nghèo, người thu nhập thấp.

Tính toán từ Bộ KH&ĐT cho thấy, nếu CPI bình quân của năm nay là 13,9% thì giá trị thực tế của chuẩn nghèo sẽ mất đi khoảng 7- 8%, tương đương với khoảng 30.000- 40.000 đồng/tháng. “Khi đó có một số hộ thoát nghèo, vượt sang ngưỡng hộ cận nghèo theo danh nghĩa, nhưng về bản chất số hộ này vẫn là hộ nghèo”, đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá tác động của tăng giá đối với người nghèo do Bộ KH&ĐT thực hiện, khẳng định.

Còn theo ông Lê Quang Thắng, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, xã hội, thể dục thể thao (Bộ KH&ĐT), nếu CPI bình quân của năm nay là 11,9% thì cả năm sẽ giảm được 1,5% số hộ nghèo. Nếu CPI năm nay là 13,1% thì cả nước chỉ giảm được khoảng 1,3% số hộ nghèo. Nếu CPI năm nay là 13,9% thì số hộ nghèo chỉ giảm được 1%. “Như vậy ở các khả năng tăng CPI này đều khó đạt mục tiêu giảm hộ nghèo 2% như kế hoạch Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2011”, ông Thắng cho biết.

Theo Bộ KH&ĐT, với mức độ lạm phát, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, nhất là tại các khu đô thị tập trung đông người đã khiến cho đời sống vật chất của gần 1,6 triệu công nhân, lao động (CNLĐ) trong 260 khu công nghiệp (KCN), 15 khu kinh tế (KKT) hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mức thu nhập bình quân hàng tháng của CNLĐ tại các DN trong các KCN đạt bình quân 2 triệu đồng/tháng, bao gồm cả các khoản phụ cấp như tiền xăng xe, chuyên cần, nhà trọ, làm thêm giờ...

Bộ KH&ĐT cũng đã thống kê, hiện có tới 48,2% lao động có mức thu nhập thấp, nên phần lớn phải làm thêm giờ hoặc chấp nhận sống thiếu thốn; 30,7% số CNLĐ cho rằng tiền công, phụ cấp doanh nghiệp trả cho họ chưa được thỏa đáng so với công sức bỏ ra. Tiết kiệm chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao dẫn đến việc CNLĐ phải chấp nhận những điều kiện sống thấp kém hơn. Đặc biệt là vấn đề dinh dưỡng của gia đình, bản thân và con cái của họ. Phần lớn trong nhóm đối tượng này là lao động phổ thông, lao động nhập cư có thu nhập thấp. Trong chi tiêu họ đã phải chi phí thêm các khoản như thuê nhà, trả tiền điện nước với giá cao hơn 2 đến 4 lần so với người dân địa phương; tiền thuê nhà tăng từ 20-30%.

Tiến sĩ Đăng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân- Công đoàn cho rằng, các DN cần hoàn thiện chính sách tiền lương, có cơ chế linh hoạt phù hợp với thị trường lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sớm nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở. Các tỉnh, thành phố khi có quy hoạch KCN nhất thiết phải quy hoạch quỹ đất để xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Với nhà ở do người dân tự đầu tư đang cho CNLĐ thuê chưa đạt tiêu chuẩn hiện nay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp để chủ nhà cải tạo, đảm bảo tiện nghi sinh hoạt tối thiểu cho CNLĐ thuê theo quy định...

Từ những tác động tiêu cực nêu trên, Bộ KH&ĐT khẳng định việc thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Chính phủ đề ra, trong đó tập trung vào thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội… Cùng với đó, Bộ KH&ĐT cũng đã đề xuất Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt dự thảo Chiến lược An sinh xã hội thời kỳ 2011-2020, trong đó bao gồm các giải pháp để cải thiện hệ thống an sinh xã hội hiện nay.

Dũng Hiếu