09:16 22/09/2012

Cần có cái nhìn dài hạn để bảo tồn Vịnh Hạ Long

Sau hơn 10 năm phát triển du lịch tại Hạ Long, có thể thấy quy hoạch cũ có vấn đề. Khi nhìn thấy những tác động tiêu cực thì phải dừng lại và không bước theo những sai lầm cũ, sau đó có thể điều chỉnh những sai sót trong tổng thể.

Làm thế nào để vừa bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long song hành với phát triển du lịch? Vấn đề đã đặt ra từ lâu nhưng quan trọng là người làm quản lý và người dân tại đây triển khai kế hoạch hành động. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Trung Lương (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Việt Nam xung quanh vấn đề này.


 

Thưa ông, tại sao ngành du lịch Việt Nam lại chọn biểu tượng Hạ Long là một trong những biểu tượng cho xúc tiến thương hiệu du lịch Việt Nam trong thời gian tới?


Lý do chọn Hạ Long là thương hiệu quốc gia vì nhắc đến Hạ Long là nói đến giá trị toàn cầu, rất ít điểm đến nhận được sự công nhận của cả quốc gia và quốc tế. Năm 1962, Vịnh Hạ Long được công nhận Di sản cấp quốc gia và Hạ Long hai lần được UNESCO vinh danh và mới đây là 1 trong 7 kỳ quan thiên nghiên thế giới mới. Vịnh Hạ Long hội tụ những đặc điểm có giá trị toàn cầu. Đây là hình ảnh có giá trị lớn, tiêu biểu, rộng rãi nhất trên thế giới và xúc tiến quảng bá sẽ thuận lợi.


Tham quan làng chài trên Vịnh.

Tuy nhiên, trong hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực này đang ảnh hưởng tới môi trường? Theo ông làm thế nào để giảm tác động này?


Đúng vậy, hoạt động phát triển kinh tế, xã hội đang ảnh hưởng tới môi trường Vịnh. Đơn cử là việc xây dựng đường ra đảo Tuần Châu đã ảnh hưởng đến môi trường Hạ Long như ngăn dòng nước, không theo quy luật tự nhiên. Việc phát triển du lịch tại Tuần Châu chưa tuân thủ quy luật và ảnh hưởng đến giá trị của Hạ Long.


Một góc làng chài trên Vịnh Hạ Long.


Do đó, đối với những công trình ảnh hưởng đến Vịnh Hạ Long chúng ta cần tuân thủ theo nguyên tắc của UNESCO để đảm bảo giá trị cảnh quan. Tôi cảm nhận sự phát triển đô thị đang nuốt dần Vịnh Hạ Long. Nói là để phát triển du lịch, nhưng tại sao tỉnh Quảng Ninh lại không xây dựng phía sau dãy núi các khu dân cư và dịch vụ du lịch. Chính cái đó cũng tạo ra giá trị cho du lịch. Khi nhìn ra biển sẽ cảm nhận giá trị cảnh quan nhưng chúng ta lại không khai thác mà cứ phải đổ đất lấn biển.


Sau hơn 10 năm phát triển du lịch tại Hạ Long, có thể thấy quy hoạch cũ có vấn đề. Khi nhìn thấy những tác động tiêu cực thì phải dừng lại và không bước theo những sai lầm cũ, sau đó có thể điều chỉnh những sai sót trong tổng thể. Hướng phát triển kinh tế, xã hội nói chung và dịch vụ du lịch về đất liền và núi.


Đến Hạ Long khách chỉ có mỗi hoạt động tham quan, vậy theo ông, Quảng Ninh cần phải làm gì?


Hiện nay, sản phẩm du lịch chính khi du khách đến Hạ Long mới chỉ dừng lại ở việc tham quan, trong khi đó các sản phẩm khác như đua thuyền, lặn biển, mua sắm… đều rất ít. Trong khi đó, chiến lược của ngành du lịch Quảng Ninh sẽ thu hút khách tàu biển. Ông Kelvin Tan - Giám đốc khu vực châu Á - Hãng tàu biển quốc tế Xinhgapo Royal Caribbean cho biết: Thực tế với sản phẩm du lịch tại Hạ Long như hiện nay thì các tàu biển cũng chỉ dừng lại tại Hạ Long khoảng một ngày. Khách tàu biển đến Hạ Long chỉ khoảng 8 tiếng, ngoài tham quan Vịnh, họ cũng muốn xem biểu diễn rối nước, thăm làng chài với những nét văn hóa đặc trưng để trên cùng tuyến thăm quan, họ có thể so sánh làng chài Việt Nam khác với làng chài Malaixia, Hồng Công ra sao… Do đó, các bạn nên phát triển loại hình sản phẩm này. Đối tượng khách tàu biển có khả năng chi trả cao nhưng các đồ lưu niệm của Hạ Long không có gì đặc sắc. Sớm đầu tư biểu tượng và đưa thành đồ lưu niệm bán hàng cho khách.

Đúng là sản phẩm du lịch ở Hạ Long chỉ là tham quan cảnh quan, chưa khai thác giá trị địa chất, địa mạo, giá trị văn hóa, giá trị sinh học cũng chưa, chưa khai thác giá trị Hạ Long. Hạ Long mới chỉ khai thác một giá trị cảnh quan và hiện vẫn chưa đâu vào đâu. Du lịch phát triển rõ nhất thời gian qua là đội tàu tăng lên nhanh và các hoạt động của tàu chưa kiểm soát chặt chẽ cũng đang ảnh hưởng đến cảnh quan.


Trong hội thảo về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - tầm nhìn mới? Có thông tin cho rằng sẽ phân tách Ban Quản lý Vịnh thành hai bộ phận, quan điểm của ông thế nào?


Câu chuyện đầu mối quản lý Vịnh Hạ Long là rất quan trọng. Có người nêu là nên đấu thầu như di sản Ăngco (Campuchia) nhưng vấn đề ở đây là ở Vịnh Hạ Long khác về quy mô và trong di sản còn nhiều hoạt động khác nữa, đó là trong lòng di sản có dân sinh sống. Do đó vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ.


Nhiều khách du lịch phàn nàn về nạn chặt chém dịch vụ tại Hạ Long, theo ông lý do ở đâu?


Nạn chặt chém ở đây có từ lâu, đó là nhận thức không chỉ từ người quản lý và của người dân. Phải có lòng tự hào của người dân về di sản, người dân sống dựa vào đó phải có nhận thức rằng khách du lịch đến đây là chính họ đang mang lại nguồn thu cho di sản và chính họ đưa hình ảnh ra nước ngoài. Để từ nhận thức đến hành động là cả vấn đề, đó là vấn đề mưu sinh, người dân tham gia công việc phục vụ để có công ăn việc làm tăng thu nhập.


Người dân khơi lên lòng tự hào, tự trọng. Tại sao người dân Hội An làm được mà người dân Hạ Long (Quảng Ninh) không làm được. Song song với đó là việc người dân tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch và họ cũng có quyền được hưởng lợi từ di sản mang lại. Do đó, chính quyền cần hỗ trợ cho người dân, chứ không chỉ hô hào chung chung, có vậy mới mong biến chuyển được.



Xin cảm ơn ông!


Bài và ảnh: Xuân Minh