02:10 16/02/2012

Cần chữ tâm trong mùa lễ hội

Mùa lễ hội đang diễn ra tưng bừng trên khắp cả nước. Người dân trong tiết tháng Giêng ru xuân trẩy hội tấp nập. Song, trong mỗi mùa lễ hội, người ta thấy cần đặt chữ “tâm” lên hàng đầu.

Mùa lễ hội đang diễn ra tưng bừng trên khắp cả nước. Người dân trong tiết tháng Giêng ru xuân trẩy hội tấp nập. Song, trong mỗi mùa lễ hội, người ta thấy cần đặt chữ “tâm” lên hàng đầu.
Quê tôi là một miền quê trung du, nơi có rừng cọ, đồi chè bạt ngàn. Và quê tôi cũng có nhiều di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo trong quần thể di tích thể hiện đời sống tâm linh của người dân. Vào ngày rằm, mùng 1 hay các ngày lễ lớn, tôi thường hay lên chùa, vào đền để lễ và tri ân công đức với những người có công với làng quê, với thần thánh. Song mỗi lần lên chùa, tôi không khỏi trăn trở và băn khoăn về người dân ta hiện nay đã quá lạm dụng việc lên đền chùa để cầu cúng những mong ước phàm tục trong cuộc sống.

Ngôi đền thiêng quê tôi thờ Cao Sơn đức Đại Vương thời Hùng Vương có công dẹp giặc Ngô, ngôi đền cũng gắn với nhiều sự kiện lịch cử quan trọng của đất nước trong kháng chiến chống Pháp. Sự linh thiêng ấy đã thu hút đông đảo khách thập phương về lễ và cầu may cầu phúc. Nhưng trên thực tế, phần đông người dân đến để tri ân công đức người đã có công với làng với xã, cầu may cầu phúc cho gia đình, con cháu… thì một bộ phận nhỏ người dân lại đến đền để “giãi bày” những điều phàm trong cuộc sống để mong ngài linh thiêng yểm trợ cho qua khỏi. Tôi đã tận tai tận mắt chứng kiến một người dân nọ, do cho vay tiền hay hợp đồng mua bán gì đó lâu không đòi được nợ bèn “chắp lễ chắp bái” lên đền cầu cúng ngài, mong ngài giúp đỡ để đòi được nợ. Người đó trình bày cặn kẽ, chi tiết tên tuổi, số nhà, số tiền vay nợ của chủ nợ để mong rằng sau lần đi lễ này sẽ thành “chứng quả”. Rồi có hai vợ chồng nọ, không rõ địa chỉ, khi đến lễ đền đã viết sẵn ra tờ giấy phê đúp một loạt những điều cần cầu cúng và “thổ lộ” với thánh thần. Rồi ông chồng ngồi kêu cúng, bà vợ vái lạy. Nào là ở cơ quan có tên những người này người kia thường hay ghen ghét, để ý, ngầm hại con, rồi con muốn tăng lương trước thời hạn, rồi các con con đang phấn đấu để được ngồi chỗ này chỗ kia… Một mớ trình bày mà ông chồng đó ngồi tâu gửi đến nửa giờ đồng hồ.

Thiết nghĩ, đền chùa, miếu mạo là nơi thờ cúng phật và thần thánh, thành hoàng, là nơi linh thiêng. Lên chùa, đền để tìm đến nơi thanh tịnh, làm cho tâm hồn thư thái, cầu mong được khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn. Người đi lễ chùa không nên mang những chuyện phàm tục ngoài cuộc sống để trình bày với thần phật. Người đi lễ chỉ cần cái tâm của mình với thần thánh và trời phật thì mọi điều mà mình mong muốn sẽ thực hiện được chứ không phải “thổ lộ” tất cả với thánh thần.

Mùa lễ hội đã và đang diễn ra khắp mọi nơi trên đất nước ta, du khách thập phương đi về dự lễ hội. Song, dù ở thời nào, ở đâu, người đến lễ chùa, lễ đền, điều cần nhất là cái tâm trong trái tim mỗi con người. Có tâm, có đức thì dù khó khăn gì trong cuộc sống chúng ta cũng có thể vượt qua được.

Nguyễn Thế Lượng