07:04 06/07/2011

Cần bảo tồn di sản âm nhạc trong không gian văn hóa

Hồ sơ đề cử Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thế giới đang được đệ trình lên UNESCO với hi vọng rất lớn. Trước Đờn ca tài tử, Việt Nam đã có 4 di sản âm nhạc được UNESCO vinh danh là: Nhã nhạc Cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù và Dân ca quan họ.

Hồ sơ đề cử Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể thế giới đang được đệ trình lên UNESCO với hi vọng rất lớn. Trước Đờn ca tài tử, Việt Nam đã có 4 di sản âm nhạc được UNESCO vinh danh là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù và Dân ca quan họ.

Sinh hoạt Đờn ca tài tử Nam bộ.Ảnh: Duy Khương - TTXVN

Thế nhưng niềm vui khi có một di sản được công nhận nhiều bao nhiêu thì nỗi lo về việc bảo tồn lại lớn bấy nhiêu. Vì bấy lâu nay công tác bảo tồn những di sản văn hóa này dường như được “bàn” nhiều trên giấy tờ và hội thảo hơn là bắt tay vào làm. Nếu cứ tiếp tục bảo tồn theo kiểu này, chỉ vài năm nữa thôi, những di sản âm nhạc độc đáo kia sẽ biến mất hoàn toàn khỏi đời sống cộng đồng. Và ngay cả những danh hiệu của UNESCO cũng sẽ không còn.

Sân khấu hóa vô tội vạ

Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan - người có công không nhỏ trong việc làm hồ sơ về những di sản âm nhạc trình UNESCO, tỏ ra rất bức xúc khi di sản Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị sân khấu hoá một cách vô tội vạ. Nếu như trước đây, muốn được nghe bản nhạc cồng chiêng phải chờ đến ngày hội lớn và lên tận các bản làng Tây Nguyên xa xôi, thì bây giờ ở lễ hội văn hóa hay Festival nào cũng có cái gọi là lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên. Gần đây nhất có thể thấy là ở Festival Biển Nha Trang 2011. Ông Loan cho biết: “Cái hay nhất, quý nhất của cồng chiêng Tây Nguyên là ở chỗ cả cộng đồng biểu diễn cùng một bản nhạc, thu hút toàn bộ tâm linh của cộng đồng vào một bản nhạc.

Tức là bản nhạc đó do cộng đồng sáng tạo ra. Thế nhưng hiện nay phổ biến nhất là kiểu họ cứ xâu một chuỗi chiêng vào với nhau rồi đứng đánh thì đúng là giết di sản rồi. Cần nói thêm rằng tổ chức UNESCO cũng công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng” là di sản văn hóa thế giới, chứ không công nhận cồng chiêng ở khía cạnh một loại nhạc cụ hay một loại hình nghệ thuật biểu diễn. Nghĩa là cồng chiêng phải được đặt trong tổng thể của những sinh hoạt văn hóa-xã hội-tín ngưỡng-tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nếu mang ra khỏi không gian văn hóa đó, cồng chiêng sẽ không còn là cầu nối giữa con người và thần linh, và mất đi “tính thiêng” của nó”.

Không chỉ cồng chiêng Tây Nguyên, mà những di sản âm nhạc khác như Quan họ, hát Xoan… cũng đang sống được nhờ vào hình thức sân khấu hóa. Tại các hội diễn, hội nghị, thậm chí đám cưới hỏi, cũng được lồng ghép biểu diễn Quan họ, hát Xoan. Nhiều người cho rằng càng biểu diễn nhiều thì càng tốt, càng giữ gìn được di sản, nhưng họ không hiểu rằng: Di sản văn hóa chỉ thực sự là nó khi được bảo tồn và phát huy trong không gian văn hóa của nó và những người thực hành nó. Bảo tồn di sản là phải tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu học hỏi lẫn nhau, nhưng không phải dưới dạng những Festival. Cũng theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, cách tốt nhất để giữ di sản là nên tổ chức truyền dạy.

Bảo tồn, chuyện không đơn giản

Việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa âm nhạc không phải là chuyện đơn giản, khi mà chính những nhà quản lý văn hóa cũng chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị những di sản mà họ đang quản lý. Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan kể: “Trong hội thảo quốc tế về hát Xoan ở Phú Thọ, có nhà nghiên cứu người Inđônêxia hỏi một vị lãnh đạo tỉnh là ông có biết hát Xoan không? Vị lãnh đạo tỉnh chỉ cười. Nhà nghiên cứu lại hỏi tiếp: Nếu ông không biết hát Xoan thì tại sao ông lại đề cử nó là di sản thế giới. Cũng tại cuộc hội thảo đó, có nhà báo hỏi một nhà quản lý: Thế nào là hát Xoan? Nhà quản lý này bảo có 2 loại Xoan là Xoan mới và Xoan cũ. Tôi giật mình không hiểu thế nào là Xoan mới và Xoan cũ. Chưa hết, đến Thanh Hóa, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều nói rằng: Từ bé đến giờ tôi chưa nghe ca trù bao giờ. Qua đó mới thấy, nhận thức của những nhà quản lý văn hóa về di sản yếu kém chứ nói gì đến cộng đồng cư dân”.

Tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội trong việc bảo tồn các di sản nói chung và di sản âm nhạc nói riêng là điều hay được nhắc tới trong các cuộc hội thảo về bảo tồn phát huy giá trị di sản. Thế nhưng, nếu như việc tu sửa đình, chùa, miếu mạo đã sẵn có danh mục trong chính sách, chỉ cần áp vào là làm được, thì việc đầu tư cho di sản âm nhạc dường như quá mông lung. Để có cơ chế, chắc cũng phải vài ba năm nữa. Di sản vật thể có thể chờ, nhưng di sản phi vật thể, mà người truyền giữ là những nghệ nhân dân gian đã qua cái tuổi thất thập cổ lai hy từ lâu thì không thể chờ được. Theo thống kê, trong số 10 nghệ nhân của các di sản âm nhạc dân gian trình UNESCO thì giờ chỉ còn 6 cụ. Mà hầu hết các cụ đều đã 70-80 tuổi. Nếu không làm nhanh, những di sản âm nhạc kia sẽ trở thành ký ức. Bà Nguyễn Thị Minh Lý - Cục phó Cục Di sản (Bộ VH, TT & DL) cho rằng, phong tặng nghệ nhân dân gian cần phải được làm ngay. Vì khi có đủ quy chế, chế độ cho các nghệ nhân, họ mới yên tâm để truyền dạy. Như thế, di sản mới không bị thất truyền.

Mỗi loại hình âm nhạc dân gian là một sáng tạo lớn của tổ tiên, nếu không biết cách gìn giữ và phát huy, theo quy luật tất yếu, chúng sẽ mất đi. Lúc đó, cái mất lớn nhất không phải là tấm bằng hay danh hiệu, mà là bản sắc văn hóa của cả một dân tộc. Và như thế, sẽ còn lại gì cho thế hệ tương lai?

Mai Lan