03:14 16/03/2012

Cam kết công khai, minh bạch Quỹ bảo trì đường bộ

'Chúng tôi ý thức được trách nhiệm của ngành đường bộ, khi mà Nhà nước và người dân đã tạo điều kiện thực hiện công tác bảo trì tốt hơn. Với sự tham gia đóng góp của người dân, ngành phải có trách nhiệm làm đúng, làm tốt, làm công khai, minh bạch...'

 'Hiện trong lĩnh vực bảo trì đường bộ, chúng tôi ý thức được trách nhiệm của ngành đường bộ, khi mà Nhà nước và người dân đã tạo điều kiện thực hiện công tác bảo trì tốt hơn. Với sự tham gia đóng góp của người dân, ngành phải có trách nhiệm làm đúng, làm tốt, làm công khai, minh bạch...'

Vừa qua, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho bảo trì đường bộ hiện nay. Nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6 tới. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - đơn vị trực tiếp xây dựng Đề án này) đã có cuộc trao đổi với PV về tổ chức, hoạt động của Quỹ này.


PV: Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết về Quỹ bảo trì đường bộ, hiện nay Bộ đã có kế hoạch xây dựng cách thức thu và mức thu cụ thể nào chưa thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Về mức thu thì hiện nay vẫn như các lần trước và như Dự thảo mức thu đã được thông tin rộng rãi với dư luận. Mức thu với xe máy là từ 100.000 tới 150.000 đồng/năm; với xe ô tô con là 180.000 đồng/tháng, tương đương từ 2,2 triệu tới 2,4 triệu đồng/năm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để hoàn thiện Thông tư liên tịch để hoàn thành mức thu cho Quỹ bảo trì đường bộ với từng loại phương tiện. Về phương thức thu, trong Đề án cũng đã nêu rõ, với ô tô sẽ thu qua các lần đăng kiểm phương tiện. Còn với xe máy sẽ do địa phương thu, và nộp trực tiếp cho Quỹ bảo trì các địa phương.

PV: Các địa phương cho rằng, việc thu xe máy rất rắc rối, và không kiểm soát được lượng xe di chuyển từ tỉnh này đi tỉnh khác. Vậy Bộ và Tổng cục có định hướng nào về cách thức thu đối với xe máy?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Về cơ bản, với mô tô, xe máy người dân chủ yếu đi trong địa bàn địa phương. Tuy nhiên, cũng có thể có đi sang các tỉnh lân cận. Nhưng chúng ta cũng phải xác định, xe tỉnh này đi sang tỉnh kia thì xe tỉnh kia cũng có một phần sang tỉnh này, nó cũng chỉ mang tính tương đối.

Trách nhiệm của địa phương là phải xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng đảm bảo tốt sự lưu thông hàng hóa đi lại cho nhân dân. Muốn có được cái đó thì phải tuyên truyền, tổ chức để làm sao huy động được các nguồn lực của xã hội, thực hiện việc xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Đấy là trách nhiệm của chính quyền các cấp.



Mức thu với xe máy là từ 100.000 tới 150.000 đồng/năm; với xe ô tô tương đương từ 2,2 triệu tới 2,4 triệu đồng/năm. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN



PV: Quan điểm trước đây của Bộ Giao thông Vận tải khi xây dựng Đề án là thu Quỹ bảo trì qua xăng dầu. Cách thu này được nhiều người cho là rất công bằng, đi nhiều đóng nhiều, Vậy tại sao phương án này lại không được lựa chọn, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Quyền: Đấy cũng là một trong những phương án thu được chúng tôi đưa ra trong khi xây dựng Đề án, phải nói là nó có rất nhiều ưu việt, nhiều nước đã áp dụng.

Tuy nhiên, ở nước ta phương thức thu này có ý kiến cho là không công bằng, vì có tới 70% đối tượng sử dụng dầu diezen nhưng không cho mục đích sử dụng giao thông đường bộ, như chạy máy nông nghiệp, tàu cá… đối tượng này nhiều quá. Cho nên Thủ tướng đã lựa chọn phương án là thu qua đầu phương tiện.

Việc thu qua đầu phương tiện cũng chỉ mang tính tương đối, nói chung các phương tiện kinh doanh sẽ sử dụng hết hoặc gần hết công suất của phương tiện. Còn người sử dụng phương tiện cho mục đích gia đình chủ yếu là xe con, xe dưới 9 chỗ ngồi, mức thu cũng ít, là chưa đến 2 triệu đồng/năm.

Đối với người sử dụng phương tiện gia đình cũng phải chấp nhận có người sử dụng nhiều, có người sử dụng ít, phân chia giữa người này và người kia và đóng góp chung cho Quỹ bảo trì đường bộ.

PV: Theo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ, trong nguồn thu có đề cập tới nguồn thu từ các nguồn khác, vậy ông có thể cho biết nguồn thu khác này là từ những nguồn nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đấy là từ các nguồn sử dụng kết cấu đường bộ, như sử dụng đường để trông giữ xe, đặt những công trình của lĩnh vực khác như lưới điện, viễn thông, cấp thoát nước… các lĩnh vực này sẽ phải chi trả một số tiền nhất định phục công tác quản lý bảo trì công trình giao thông. Để làm được điều này, phải dựa trên cơ sở có quy định của Chính phủ về vấn đề đó.

Đối với các trạm thu phí nộp ngân sách nhà nước sẽ có lộ trình để xóa bỏ. Bộ Giao thông Vận tải sẽ có chỉ đạo để thực hiện. Còn các trạm thu phí công trình BOT vẫn giữ lại để đảm bảo hoàn vốn cho chủ đầu tư.

PV: Có một số ý kiến lo ngại về tình trạng phí chồng phí, và mức thu một năm với ô tô có thể lên tới 60-70 triệu đồng, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Ở các ngành khác, mỗi một dịch vụ đưa ra đều có một loại phí, cái đó theo nguyên tắc chung là quản lý bảo hành. Còn Quỹ bảo trì đường bộ, theo tôi biết đây là phí chuyên cho việc sử dụng đường bộ Chính phủ mới ban hành. Còn những phí khác thì thuộc lĩnh vực khác, tôi chưa có nghiên cứu sâu về những cái đó.

Hiện trong lĩnh vực bảo trì đường bộ, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của ngành đường bộ, khi mà nhà nước và người dân đã tạo điều kiện thực hiện công tác bảo trì tốt hơn. Với sự tham gia đóng góp của người dân, ngành phải có trách nhiệm làm đúng, làm tốt, làm công khai, minh bạch.

PV: Nghị định Quỹ bảo trì đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2012, vậy đã có dự kiến khi nào sẽ thực hiện thu phí cho Quỹ bảo trì?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay Chính phủ mới ký Nghị định, mới chỉ là định hướng, Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa tổ chức họp để có ý kiến chỉ đạo những nội dụng cụ thể. Những nội dung này sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới, như xây dựng Thông tư liên tịch giữa Bộ Giao thông Vận tải với Bộ Tài chính về hình thành cơ quan quản lý Quỹ, và việc triển khai trong toàn quốc… Vì vậy, thời gian cụ thể lúc nào thu, hình thức thu, mức thu… sẽ tiếp tục được bàn thảo trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Dũng (thực hiện)