11:23 18/11/2011

Cái tình đồng bào níu chân giáo viên

Vượt hàng chục con suối, mòn chân trên những con đường ngoằn ngoèo, dốc thẳng đứng là hành trình mà các thầy, cô giáo “cắm bản”, ngày đêm “cõng chữ” đến những lớp học ở các khu lẻ thuộc nhiều xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ đang phải vượt qua.

Vượt hàng chục con suối, mòn chân trên những con đường ngoằn ngoèo, dốc thẳng đứng là hành trình mà các thầy, cô giáo “cắm bản”, ngày đêm “cõng chữ” đến những lớp học ở các khu lẻ thuộc nhiều xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Phú Thọ đang phải vượt qua. Khó khăn là thế, nhưng các thầy, cô giáo ở đây vẫn bám trường, bám bản, đưa cái chữ đến nơi bạt ngàn núi rừng.

Nhọc nhằn “cõng chữ lên non”

Thầy Nguyễn Như Hoàng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thu Cúc II, huyện Tân Sơn kể lại: Những ngày đầu, để có học sinh, các thầy, cô giáo phải vào từng nhà vận động các em đi học. Vận động các em ra lớp đã khó, duy trì và dạy các em học còn khó hơn. Có hàng ngàn lý do khiến việc dạy và học ở đây gặp khó khăn như: Bất đồng ngôn ngữ, các em đến lớp, đến trường không đều, thậm chí có em đang học thì lấy vợ, lấy chồng...

Học sinh trường Bản Dao, xã Văn Miếu (Thanh Sơn, Phú Thọ).

Trường Tiểu học Thu Cúc nằm tại bản Mỹ Á. Lớp học hiện ra giữa bộn bề núi non vắng vẻ. Căn nhà cấp 4 lợp phiprôximăng có 7 phòng, trong đó 4 phòng dành cho lớp học, 3 phòng còn lại là chỗ ăn ở của 3 thầy, cô giáo. Mỗi lớp chỉ có khoảng 10 em. Cô giáo Hà Thị Tuyền cho biết: Mỹ Á là bản khó khăn nhất của huyện Tân Sơn với 100% số hộ là đồng bào dân tộc Mông. Đường sá đi lại khó khăn, khổ nhất là mùa đông, gió thông thốc thổi, cả thầy và trò tím tái vì rét.

Thầy Vũ Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Sơn II, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn chia sẻ: Trường có ba khu lẻ, khu xa nhất cách trường 15 km đường núi. Năm học này, toàn trường Tiểu học Yên Sơn II có 19 lớp (trong đó có 3 lớp ghép) với 201 học sinh, bình quân mỗi lớp 10 - 11 học sinh. Đây là một trong những trường có tỷ lệ học sinh thấp nhất tỉnh. Học sinh của trường 85 - 90% là người dân tộc Mường, Dao.

Quyết tâm bám trường

Khó khăn, nhọc nhằn là thế nhưng những thầy, cô giáo ở bản Hồ (xã Yên Sơn) vẫn vượt qua những con đường mòn cheo leo vắt qua những triền núi dốc, những con suối ngập ngang người để gieo cái chữ đến đồng bào vùng cao. Cô giáo Hà Thị Khánh cho biết: "Tôi vào nghề từ năm 1997, đã từng nhận công tác tại bản người Dao của xã Tân Lập rồi Tam Thanh, Thạch Khoán, Yên Sơn, nhưng tôi vẫn xung phong lên bản dạy chữ cho các em". Cô Khánh chia sẻ: “Cuộc sống ở đây tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm của bà con đã giữ chân chúng tôi”.

So với học sinh vùng ngoài thì các cháu ở đây nhận thức còn hạn chế, nhưng được cái rất hiếu học. Dẫu mưa rừng gió núi, những bàn chân trần nhỏ bé vẫn tới lớp đúng giờ. Gian nan, vất vả nơi rừng núi, không ít lần khiến các cô giáo có suy nghĩ chùn bước. Cô giáo Hoàng Thị Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thu Cúc II bày tỏ: “Hơn 10 năm gắn bó với vùng cao là ngần ấy thời gian phải xa gia đình, nhiều lúc cũng muốn xin về vùng thấp cho gần người thân, nhưng nhìn những đứa trẻ lặn lội đường xa, phong phanh áo mỏng đến lớp mà mình sợ khổ, sợ khó bỏ về thì còn đâu cái tâm của người thầy giáo”.

Đáng quý hơn là ngay cả những cô giáo mới ra trường cũng tình nguyện gác lại sau lưng nỗi nhớ gia đình để mang cái chữ tới vùng cao. Cô Phùng Thị Phiến, quê ở xã Tân Phú (Tân Sơn) tâm sự: “Nhiều khi nhớ nhà, chỉ biết vùi đầu trong chăn mà khóc, nhưng những tình cảm chân thành của người dân nơi đây đã giúp em có thêm nghị lực để bước tiếp...”.

Trưởng bản Mỹ Á, Sùng A Tủa, bộc bạch: “Bản mình biết ơn các thầy, cô giáo lắm. Nhờ thầy cô mà lũ trẻ được đến trường, được học cái chữ, biết nói tiếng phổ thông, biết chào hỏi người lớn... Người dân đã biết làm nhà vệ sinh, làm chuồng cho gia súc mà không thả rông như trước nữa. Đặc biệt, nghe lời thầy cô, nhiều gia đình đã biết khai hoang ruộng nước, trồng lúa 2 vụ nên cuộc sống đã bớt nghèo, bớt khổ hơn nhiều rồi...”.

Có hàng trăm nỗi khổ không thể nói được bằng lời của các thầy, cô giáo “cắm bản” nơi vùng cao đặc biệt khó khăn này. Nhiều thầy, cô giáo trẻ đã tình nguyện lên đây “cắm bản” giữa núi rừng, phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, thậm chí nhiều người vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng với đồng phụ cấp ít ỏi nhưng họ vẫn không nản lòng vì đàn em thân yêu, vẫn ngày đêm miệt mài gieo từng con chữ giữa đại ngàn núi rừng hôm nay.

Bài và ảnh: Tạ Văn Toàn