10:14 02/10/2014

Cải thiện môi trường đầu tư, tăng năng suất lao động

Trong các nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2014, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng suất lao động và một số vấn đề kinh tế - xã hội được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận.

Trong các nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 9/2014, vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng suất lao động và một số vấn đề kinh tế - xã hội được các đại biểu đặc biệt quan tâm thảo luận. Đây cũng là những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong các tháng còn lại của năm 2014.

 

Tại phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo và thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2014; việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; công tác sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 9 tháng đầu năm 2014; việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các vấn đề về ổn định vĩ mô, giải quyết nợ xấu, sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế... được đặc biệt quan tâm trong phiên họp.

 

Ngày 29/9/2014, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2014. Ảnh: Đức Tám - TTXVN

Chính phủ thống nhất đánh giá tháng 9 và 9 tháng kinh tế tăng trưởng tương đối theo hướng bền vững, dù chưa có gì đột phá nhưng trên đà này có thể nói cuối năm nay sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các hoạt động văn hóa-xã hội được bảo đảm, an ninh quốc phòng được giữ vững. Trong 9 tháng đầu năm, thành tựu lớn nhất là giữ yên được đất nước trong bối cảnh nhiều thử thách.


Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: không được thỏa mãn, chủ quan mà phải nhìn nhận hết những mặt tốt để phát huy, những yếu kém, những mặt chưa được để khắc phục, tạo đà cho năm 2015 thực hiện mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội đã giao.


Nâng cao năng suất lao động


Theo công bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Tại họp báo kết thúc phiên họp Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phân tích: việc Việt Nam thuộc nhóm nước có năng suất lao động thấp nhất khu vực ASEAN là điều dễ hiểu bởi 4 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar kém phát triển hơn so với các nước trong khu vực. Thêm vào đó, thông tin này lấy theo báo cáo kỹ thuật tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC, và vốn được tính đơn giản là lấy GDP/số người đang làm việc. Thực ra con số này không phản ánh chính xác năng suất lao động của người trong độ tuổi lao động. GDP ít nhất phải có 3 thành tố: Chỉ số lao động, vốn đầu tư và trình độ công nghệ.


“Muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận là với trình độ công nghệ, với vốn đầu tư theo chiều rộng như hiện nay thì năng suất lao động như vậy là khá chính xác. Chính vì thế, chúng ta mới đang tái cơ cấu nền kinh tế từ chiều rộng theo chiều sâu, đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nâng cao trình độ người lao động, hy vọng sẽ cải thiện chỉ số này” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.


Trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, phân tích tổng thể vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh: phải chỉ rõ được những yếu kém, hạn chế do nguyên nhân chủ quan, khách quan; chỉ rõ chúng ta hạn chế ở khâu nào, do đào tạo kỹ năng lao động hay do công nghệ lạc hậu hay do cách tính. Từ đó, hiểu đúng vấn đề này, đưa ra đánh giá chính thức năng suất lao động của Việt Nam đang ở vị trí nào trong khu vực và trên thế giới, hướng phấn đấu cụ thể.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, cho rằng muốn tăng năng suất lao động trước hết cần tái cơ cấu, tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao. Tiếp đó, khuyến khích, tạo động lực để DN đầu tư cho KHCN thông qua chính sách ưu đãi cụ thể về thuế và tín dụng. Cuối cùng, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


“Cần có kế hoạch tổng thể, tính kỹ những yếu tố quyết định năng suất lao động, từ đó có các tiêu chí, giải pháp hết sức cụ thể để cải tiến, nâng cao năng suất lao động, năng suất tổng hợp từ đào tạo lao động đến KHCN, tái cơ cấu”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.


Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư


Trong những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư.


Về nhóm nhiệm vụ liên quan đến sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách để khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư, bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư theo đúng tiến độ. Tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo Thủ tướng, cần hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở khu vực nông thôn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch lao động theo theo hướng ly nông nhưng không ly hương.


Các bộ, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết với các thỏa thuận FTA đang đàm phán và sắp ký kết nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; giảm mức độ phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Có biện pháp phù hợp để khuyến khích tiêu dùng nội địa; đẩy mạnh triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...


Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách với tinh thần cởi mở nhất, thông thoáng nhất.

 

P.V