03:09 12/03/2011

Cai nghiện ma túy tại cộng đồng:Nhừng bất cập cần tháo gỡ

Hiện nay, có 3 hình thức cai nghiện cho người lệ thuộc vào ma túy là: Cai nghiện tại trung tâm, cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng.

Hiện nay, có 3 hình thức cai nghiện cho người lệ thuộc vào ma túy là: Cai nghiện tại trung tâm, cai nghiện tại gia đình và cai nghiện tại cộng đồng


. 1/3 số người nghiện được điều trị trong năm là cai tại gia đình và cộng đồng. Các xã, phường, thị trấn đã thành lập các tổ cai nghiện do UBND xã đứng đầu. Tuy nhiên, hiệu quả của việc cai tại cộng đồng còn thấp.

Hiện nay cả nước có trên 2.600 tổ cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Đa số các tổ này đang ở trong tình trạng “tay không bắt giặc” bởi ngoài các cán bộ y tế đã được tập huấn nghiệp vụ điều trị nghiện ma túy, còn lại, phần lớn các cán bộ khác của các tổ công tác cai nghiện chưa được đào tạo chút nào về nghiệp vụ này.

Ông Triệu Huy Tạo, Chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tính đến năm 2009, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 3.500 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Trong số đó, có tới trên 2.595 đối tượng nghiện sống tại cộng đồng, số còn lại cai nghiện ở trung tâm và quản lý trong các trại giam.

Với đặc thù là một tỉnh có trên 11 huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế về trình độ nên dù có thông tin thì đồng bào cũng chỉ tiếp thu có mức độ mà thôi. Do vậy, riêng khu vực này của Thanh Hóa đã có trên 1.000 người nghiện. Hiện nay, cả tỉnh mới có 1 trung tâm cai nghiện, quy mô chỉ 500 - 600 giường. Kết quả hoạt động hàng năm cho thấy trung tâm quản lý rất tốt. Trung tâm có 2 dạng học viên: Bắt buộc chữa và tự nguyện chữa. Số tự nguyện đã làm đơn, số tái phạm nhiều lần thì bị bắt buộc chữa.

“So với trên 3.500 đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý thì khả năng dung nạp của Trung tâm chưa ăn thua gì! Cai nghiện phải từ 1 - 2 năm mới ra. Chưa ra đã có người xếp lượt vào”, ông Tạo cho biết.

Học nghề đan mây tre tại lớp cai nghiện ở xã La Pán Tẩn, Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Để giải quyết nhu cầu cai nghiện của số đối tượng không được vào cai tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội, các tổ cai nghiện tại cộng đồng đã được lập ra. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 289 đội điều trị nghiện tại xã, phường để tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

Cũng như Thanh Hóa, mô hình tổ cai nghiện tại các xã phường thị trấn đã được nhiều địa phương thành lập. Ủy ban nhân dân cấp xã là cơ quan đứng đầu. Thành viên của đội điều trị còn có cảnh sát, cán bộ lao động xã hội, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Cả nước hiện nay có hơn 2.600 tổ công tác cai nghiện như thế với tổng 15.000 cán bộ.

Theo đánh giá của nhiều địa phương, chủ trương chuyển sang cai nghiện tại cộng đồng là phù hợp nhưng phải kết hợp nhiều hình thức. Nếu bây giờ, một lúc mà chuyển nhiều đối tượng nghiện về cộng đồng để cai thì các tổ cai nghiện này cũng không đáp ứng được. Điều kiện kinh tế của các tổ cai nghiện ở xã, phường, thị trấn khó khăn, khả năng thích ứng của đội ngũ cán bộ làm công tác điều trị cũng hạn chế.

“Nhân lực rất mỏng, chúng tôi chủ yếu hướng dẫn các địa phương phát huy khả năng của các lực lượng đoàn thể chính trị xã hội chứ lực lượng chuyên trách không có”, ông Tạo than thở. Thực tế này không chỉ riêng tỉnh Thanh Hóa gặp phải. Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội), ngoại trừ các cán bộ y tế đã được tập huấn nghiệp vụ điều trị nghiện ma túy, phần lớn cán bộ các tổ công tác cai nghiện chưa được đào tạo chút nào về nghiệp vụ. Điều này dẫn đến việc có rất ít người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tại cộng đồng được đánh giá, lập kế hoạch điều trị về tâm lý, phục hồi sức khỏe và dự phòng lây nhiễm HIV rất thấp.

Những cán bộ đã có kinh nghiệm lâu năm trong điều trị nghiện đều cho biết cơ chế nghiện rất phức tạp. Đã hằn vào não rồi, thì thậm chí khi đã cai dứt, nhưng lúc ra khỏi trung tâm, gặp người rủ rê là lại dễ có nhu cầu, dễ tái nghiện.

Tập huấn nghiệp vụ là một nhu cầu của các tổ công tác cai nghiện tại cộng đồng. Ông Tạo bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn được trang bị thêm kỹ năng cho các cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở để họ nâng cao được kỹ năng xử lý, kỹ năng tư vấn, kỹ năng giúp đỡ người nghiện ma túy”.

Một khó khăn khác khiến việc cai nghiện tại cộng đồng gặp khó là công tác quản lý sau cai đối với người cai nghiện ma túy từ trung tâm về cộng đồng, lẫn người cai nghiện tại cộng đồng và gia đình. Tại Hội thảo về điều trị cai nghiện mới được Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức cuối tháng 2/2011, nhiều đại biểu đến từ các địa phương cho rằng dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai là vấn đề khó khăn nhất.

Vì những người nghiện thường không có khả năng học nghề. Kinh phí giúp cho họ học được 1 nghề và có thu nhập từ nghề đó là vấn đề cực khó. Một cái khó khác là chỗ ở của những người nghiện thường không cố định. Sau cai, những đối tượng này thường tản đi nhiều tỉnh thành làm ăn, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Mạnh Minh