12:07 21/12/2016

Cách xác định thời gian hưởng chế độ ốm đau dài ngày

Vợ của ông Trần Công Định (TP Hà Nội) làm việc tại Công ty nước ngoài, đóng BHXH từ tháng 6/2010. Cuối tháng 3/2016, vợ ông phát hiện bị bệnh ung thư, phải nghỉ việc dài ngày để điều trị. Trong thời gian nghỉ, công ty đã tạo điều kiện đóng BHXH cho vợ ông.

Mỗi đợt điều trị của vợ ông Định khoảng 7-10 ngày, có đợt 30 ngày, các bác sĩ đều cấp cho giấy nghỉ chữa bệnh hưởng BHXH. Tuy nhiên, khi ông Định nộp giấy nghỉ hưởng BHXH cho cơ quan BHXH TP Hà Nội thì được trả lời, do Công ty vẫn đóng BHXH cho vợ ông trong thời gian nghỉ nên không thanh toán tiền BHXH của những ngày nghỉ điều trị, chỉ thanh toán nếu Công ty không đóng BHXH trong thời gian nghỉ. 

Ông Định hỏi, như vậy có đúng quy định không?

Về vấn đề này, BHXH TP Hà Nội trả lời như sau:

Khoản 2, Điều 21 Luật BHXH quy định, trách nhiệm của người tham gia BHXH là đóng BHXH theo quy định và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định của luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.

Theo Khoản 4 và Khoản 5, Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó. Trong thời gian này không được tính để hưởng BHXH.

Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do bị mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng BHYT do quỹ BHXH đóng cho người lao động.

Như vậy, trường hợp vợ của ông Định, BHXH TP Hà Nội đã đối chiếu số liệu với Phòng Quản lý Thu BHXH và Phòng Chế độ BHXH TP Hà Nội thấy vợ ông đã báo giảm bảo hiểm từ tháng 3/2016 hiện đang hưởng chế độ ốm dài ngày cho bệnh ung thư là đúng quy định của Luật BHXH.
Chinhphu.vn