12:15 24/12/2014

Cách tiếp cận mới của EU với tiến trình hòa bình Israel-Palestine

Vào những tháng cuối năm 2014, các cuộc bỏ phiếu công nhận Nhà nước Palestine ngày càng lan rộng khắp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm gây sức ép buộc Israel tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông đang hấp hối và cứu vãn giải pháp hai nhà nước.

Vào những tháng cuối năm 2014, các cuộc bỏ phiếu công nhận Nhà nước Palestine ngày càng lan rộng khắp các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhằm gây sức ép buộc Israel tái khởi động tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông đang hấp hối và cứu vãn giải pháp hai nhà nước.

Dải Gaza vừa chứng kiến vòng xoáy bạo lực đẫm máu nhất từ trước đến nay do quân đội Israel phát động.


Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết ủng hộ việc công nhận Nhà nước Palestine sau hàng loạt động thái tương tự của Quốc hội Anh, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Pháp. Nghị viện các nước Italy, Bỉ, Đan Mạch,... cũng đã lên sẵn kế hoạch hưởng ứng phong trào "Thức tỉnh châu Âu" này.

Các cuộc bỏ phiếu diễn ra vào thời điểm tiến trình hòa bình Trung Đông đang trở nên vô vọng sau hơn hai thập kỷ đàm phán với hàng loạt sáng kiến ngoại giao và nhiều "thời hạn chót" bị bỏ lỡ. Thỏa thuận Oslo từng vạch ra thời gian biểu năm 1999 để kết thúc các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine. Lộ trình hòa bình năm 2003 do nhóm “Bộ tứ” bảo trợ lùi thời hạn này đến năm 2005. Hội nghị thượng đỉnh Annapolis được tổ chức theo sáng kiến của cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush kêu gọi thành lập Nhà nước Palestine vào năm 2007. Năm 2010, ông chủ Nhà trắng Barack Obama một lần nữa khiến những người ủng hộ Palestine tràn trề hy vọng khi công bố hoàn thành mục tiêu này vào năm 2011. Tuy nhiên, vào tháng 4/2014, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải tay trắng trở về sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine bị đổ vỡ.

Trên thực địa, Dải Gaza vừa chứng kiến vòng xoáy bạo lực đẫm máu nhất từ trước đến nay trong chiến dịch "Vành đai Bảo vệ" do quân đội Israel phát động. Bầu không khí căng thẳng hiện nay tại các vùng lãnh thổ Palestine bị Israel chiếm đóng khiến dư luận lo ngại nguy cơ nổ ra làn sóng nổi dậy Intifada lần thứ ba, thậm chí là một cuộc chiến tranh tôn giáo nghiêm trọng, đặc biệt trong bối cảnh cả khu vực đang đối mặt với những mối đe dọa từ các lực lượng thánh chiến và các nhóm Hồi giáo cực đoan. Các hành động gây hấn của chính quyền Israel, trong đó có việc mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem, ngày càng làm xói mòn triển vọng đạt được giải pháp hai nhà nước.

Việc công nhận Nhà nước Palestine đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách của các nước châu Âu đối với Israel. Thất vọng sau hàng thập kỷ đầu tư nhiều sức lực và tiền của cho giải pháp hai nhà nước, EU đang muốn dùng các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm ủng hộ Palestine cũng như chống lại các chính sách được cho là bành trướng và hiếu chiến của Tel Aviv. Dư luận phản đối Israel cũng dâng cao tại "lục địa già", nhất là sau khi chứng kiến hàng nghìn dân thường vô tội bị thiệt mạng trong cuộc chiến hủy diệt vào mùa hè vừa qua tại Dải Gaza.

Các tín đồ Palestine tham gia lễ cầu nguyện ngày thứ sáu hàng tuần bên ngoài Nhà Vòm Đá tại khu đền Al-Aqsa ở Jerusalem sau khi lệnh hạn chế tiếp cận được nới lỏng. Ảnh: AFP/TTXVN.


Ngoài các cuộc thảo luận và bỏ phiếu ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine tại nghị viện nhiều nước thành viên, EU đã và đang có những động thái cứng rắn chống lại sự hiện diện của Israel tại Bờ Tây. Giới ngoại giao EU được cho là đã có các cuộc thảo luận không chính thức về hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các lợi ích của Tel Aviv tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp năm 1967, các chính trị gia diều hâu, giới doanh nghiệp và dân định cư Do thái quá khích. Các nước EU, đứng đầu là Anh và Pháp, hiện cũng đang thúc đẩy một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó vạch thời hạn chót 2 năm để hoàn tất các cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine.

Những người yêu chuộng hòa bình tại châu Âu cho rằng các hành động trên sẽ mang lại lợi ích thiết thực, giúp ngăn chặn nguy cơ bất ổn an ninh và thực hiện mục tiêu thành lập một Nhà nước Palestine cùng chung sống hòa bình bên cạnh Israel. Việc công nhận Nhà nước Palestine còn giúp thúc đẩy các sáng kiến chính trị và ngoại giao trong bối cảnh ngày càng nhiều người Palestine ủng hộ đấu tranh vũ trang. Đây cũng là thời điểm EU cần đứng ra gánh vác trách nhiệm và đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy giải pháp hai nhà nước giữa lúc Mỹ đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Theo các nhà phân tích, việc các nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine không chỉ làm giảm hiệu lực các tuyên bố của Israel đối với các khu định cư Do Thái tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng mà còn giúp tạo vị thế cân bằng cho Palestine trong các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới với Tel Aviv. Ngoài ra, với sự công nhận quan trọng này, Palestine có thể sử dụng các diễn đàn quốc tế nhằm buộc Israel phải dỡ bỏ các biện pháp bao vây, phong tỏa hiện nay cũng như theo đuổi các hành động pháp lý nhằm đòi lại công bằng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.

Sau nhiều năm bị chỉ trích là có ít hành động và quá khoan dung đối với các hành động đơn phương của Israel, giờ là lúc EU cần thay đổi phương thức tiếp cận bằng cách sử dụng chính sách "cây gậy" nhằm buộc Israel tái khởi động các cuộc đàm phán với Palestine. Dư luận hy vọng rằng cùng với việc bỏ phiếu thông qua các nghị quyết không mang tính ràng buộc ủng hộ sự nghiệp đấu tranh của người dân Palestine, châu Âu sẽ có những hành động thực chất hơn nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Trung Đông)