01:16 22/01/2011

Cách nào đưa người sau cai hòa nhập cộng đồng?

TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương đi đầu trong thực hiện đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Cộng đồng xã hội đã chung tay giúp sức, bao dung và mở rộng cửa để đón họ trở về với cuộc sống đời thường.

TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương đi đầu trong thực hiện đề án dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy. Cộng đồng xã hội đã chung tay giúp sức, bao dung và mở rộng cửa để đón họ trở về với cuộc sống đời thường.

Vươn lên sau vấp ngã

Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở khu phố 2, phường 11, quận 3 (TP.HCM), chị Trần Thị Mỹ Thanh từng có thời gian chìm đắm trong “nàng tiên nâu”. Chị tâm sự: “Tuổi trẻ nông nổi, chưa lường hết tác hại của thói đua đòi ăn chơi, chưa phân biệt được tốt xấu, lại bị bạn bè rủ rê nên tôi bị vướng vào ma túy. Đến năm 2003, tôi được chính quyền đưa đi cai nghiện. Khi chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ), tôi không khỏi hoang mang.

Những câu hỏi như: Người thân, bà con lối xóm sẽ đối xử với mình ra sao? Làm việc gì để sống khi trở về cuộc sống đời thường? Gặp lại bạn xấu trước đây mình nên ứng xử thế nào?… luôn hiện ra trong suy nghĩ của tôi.


Đến năm 2007, tôi được THNCĐ và bất ngờ khi gia đình, bà con lối xóm, chính quyền địa phương đã rộng tay bao dung, thương mến giúp đỡ tôi tìm lại cuộc đời. Ngoài ra, phải nói tới người bạn trai của tôi, sau này là chồng tôi, đã luôn động viên, giúp tôi vượt qua khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, chính quyền, hàng xóm, đến nay tôi và chồng tôi đã có một cuộc sống ý nghĩa và mở được một cơ sở sản xuất giày, tất trẻ em để ổn định cuộc sống”.

Chị Mỹ Thanh giờ đã tìm được niềm vui bên cô con gái nhỏ xinh xắn.


Hiện cơ sở của gia đình chị Thanh còn thu hút hơn chục lao động, trong đó có không ít người cũng từng đi cai nghiện trở về. Chị Thanh chia sẻ: “Cùng cảnh nên mình rất hiểu sự khó khăn trong việc tái hòa nhập của một người sau cai nghiện là như thế nào. Giúp họ tái hòa nhập cũng là trao cho họ niềm tin vào cuộc sống, để họ có thể đoạn tuyệt hẳn với ma túy”.

Ngoài việc tạo công ăn việc làm cho người cùng cảnh ngộ hoàn lương, chị Thanh còn rất tích cực trong các phong trào chia sẻ kinh nghiệm và động viên những người từng lầm đường lạc lối, giúp họ tái hòa nhập thành công vào cộng đồng. Chị đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và UBND quận 3 trao tặng bằng khen và giấy khen cho những thành tích xuất sắc trong phong trào “Người tốt việc tốt” năm 2009 và 2010.

Tìm được ý nghĩa cuộc sống

Khác với chị Thanh, con đường đi tìm ý nghĩa cuộc sống của chị Lê Thị Bích (phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM) đầy gian nan. Lúc trẻ, chị Bích không may đến với ma túy và bị nhiễm HIV lúc nào không hay. Chị Bích tâm sự: “Sau một thời gian cai nghiện tại Trung tâm Đức Hạnh, năm 2005, tôi trở về địa phương nhưng lòng tôi đau như dao cắt khi biết mình mang trong người căn bệnh HIV. Những tưởng cuộc sống của tôi đã đặt dấu chấm hết, tuy nhiên khi nhìn thấy người mẹ đã 70 tuổi chăm sóc tôi từng bát cơm ly nước với hy vọng tôi sẽ thoát khỏi sự hành hạ của bệnh tật, tôi đau xót vô cùng.


Chính mẹ là nguồn động viên giúp tôi tiếp tục sống và bù đắp lại cho mẹ, chuộc lại những lỗi lầm do mình gây ra dù đã muộn. Với suy nghĩ đó tôi đã làm lại cuộc đời từ những công việc trong nhóm hỗ trợ xã hội dành cho người sau cai tại quận Bình Thạnh với nhiệm vụ là một giáo dục viên đồng đẳng”.

Giờ đây, chị Bích đã tìm được ý nghĩa cuộc sống bằng những công việc giúp ích cho đời. Chị Bích vui vẻ cho biết: “Đối với tôi, cuộc sống hiện tại rất có ý nghĩa và vô cùng hạnh phúc, tôi không dám ao ước gì. Tôi cũng đã lập gia đình và đã tự thành lập một nhóm gồm những người có HIV để sinh hoạt và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như tôi vượt qua lỗi lầm để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Không chỉ có chị Thanh, chị Bích vượt qua được mặc cảm của người “một thời lầm lỗi” mà thời gian qua, các cấp, ban, ngành TP.HCM đã có nhiều giải pháp hỗ trợ những người sau cai nghiện THNCĐ để họ thực sự trở về cuộc sống bình thường.


Qua 4 năm (2005 - 2010) triển khai kế hoạch quản lý và giúp đỡ THNCĐ cho người sau cai, đến nay số người THNCĐ tái nghiện chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 20,79% (so với tỷ lệ 98% trước khi thành phố thực hiện Chương trình mục tiêu “ 3 giảm” và Đề án tổ chức quản lý hỗ trợ dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau nghiện).


Tính đến nay, thành phố đã có 7.122 người trong tổng số 10.143 người THNCĐ đã tìm được việc làm ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 800.000 - 2 triệu đồng/tháng/người, một số đã làm chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh với mức thu nhập trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng và đặc biệt là không tái nghiện.


Ngoài ra, 1.704 trường hợp THNCĐ được giải quyết vay vốn tạo việc làm và làm kinh tế với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng từ các nguồn vốn như: Quỹ xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội.


Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh nhận định: Công tác giáo dục hỗ trợ giúp đỡ THNCĐ cho người sau cai là công tác rất khó khăn phức tạp. Để có kết quả tốt không chỉ cần sự quan tâm của mỗi cá nhân, tổ chức mà đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của tất cả các cơ quan chức năng và toàn xã hội.

Hoàng Tuyết