11:09 12/11/2010

Cách đánh số nhà “lạ đời” ở thành Nam

Mới chuyển về Nam Định về Nam Định công tác, anh Ch ngỡ ngàng vì chỉ có duy nhất ở thành Nam có kiểu đánh số nhà lạ đời, mà không địa phương nào có?

Anh Ch. mới được cơ quan cử về thành phố Nam Định công tác được gần 1 tháng. Vì công việc chuyên môn nên thời gian đầu anh phải dành khá nhiều thời gian để đi chào hỏi xã giao và liên hệ với các sở, ban, ngành của tỉnh. Nhưng do chưa thông thuộc địa bàn nên đi đâu cũng phải hỏi đường và việc đó đôi khi làm anh vừa mất thời gian, vừa bực mình vì cách đánh số nhà hết sức tùy tiện, không theo bất kỳ nguyên tắc nào tại nhiều tuyến phố, khu dân cư trong thành phố.

Loạn số nhà

Trung tâm giao dịch “một cửa” UBND thành phố Nam Định
ở số 10 phố Trần Đăng Ninh. Ảnh: Hữu Chiến

 

Khách sạn Najimex, đối diện với ga Nam Định, cũng ở
số 10 phố Trần Đăng Ninh. Ảnh: Hữu Chiến


Có việc phải liên hệ với Ban quản lý dự án thành phố nằm ở tầng 4, nhà số 10, phố Trần Đăng Ninh ngay giữa trung tâm thành phố, sau khi đã dò hỏi mấy người đi đường nhưng không ai biết, rồi anh Ch. cũng được một bác xe ôm chỉ về hướng gần ga Nam Định. Tới nơi thì thấy đó là một khách sạn nhộn nhịp người vào ra. Quá ngạc nhiên vì nghĩ Ban quản lý dự án chắc lắm tiền nhiều của nên dám thuê cả khách sạn làm trụ sở văn phòng (như ở một số thành phố lớn), anh vội xông vào hỏi thì mới "té ngửa" khi được biết tại phố Trần Đăng Ninh có những mấy địa chỉ có cùng số nhà như trên (!). Chị lễ tân khách sạn tủm tỉm cho biết, thỉnh thoảng có khách lạ tìm đến "liên hệ công tác" với Ban quản lý ở đây. Cuối cùng thì anh Ch. cũng tìm thấy nơi mình cần đến tại tầng 4 trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, ngay sát chợ Rồng, tít tận đầu kia của con đường.

Tiếp tục tìm hiểu, anh Ch. còn biết được những điều kỳ lạ hơn nhiều về cách đánh số nhà trên tuyến phố Trần Đăng Ninh có độ dài chỉ khoảng độ 2 km đó. Ngoài chuyện 2-3 nhà có chung một số trên tuyến phố, các nhà còn được đánh theo 2 chiều ngược nhau, từ hai bên đánh về giữa, ở giữa đánh ra 2 bên hay thậm chí số chẵn nằm ngay cạnh số lẻ (!). Ví dụ, trụ sở của Liên đoàn Lao động thành phố (số 156) ở đầu phố (bên phải theo hướng từ chợ Rồng đến nhà Ga) lại nằm đối diện với số 1 là trụ sở của Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn nằm ngay cạnh số 1 lại là số 10, vị trí tọa lạc của trụ sở UBND và Hội đồng nhân dân thành phố. Cách trụ sở chung của hai cơ quan trên và một đoạn tường dài độ 300 m lại là số 9, vị trí của một cửa hàng xăng của Công an tỉnh. Tiếp theo là số 5 của Bệnh viện Phụ sản. Cách một quãng (cùng bên) lại thấy số 9 to tướng nằm trên bảng hiệu của cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ và đại lý Công ty may Sông Hồng. Nằm ngay sát đó là số 112 của một kiốt khác cũng của cùng công ty may này. Nằm gần số 10 của khách sạn đã nói ở trên là số 1, vị trí của một ngôi nhà đơn lẻ cao 3 tầng. Tương tự, lề trái của tuyến phố này cũng có tình trạng số chẵn nằm cạnh số lẻ, số to nằm cạnh số nhỏ và 2-3 số trùng nhau. Thậm chí, nhà ga Nam Định, một công trình khá lớn và quan trọng ở thành phố, thì lại không được đánh số.

Trên phố Hà Huy Tập, Bưu điện tỉnh mang số 4 nằm ngay sát số 1 - trụ sở của Liên đoàn Lao động tỉnh. Ngay tiếp đó là số 16 của Bệnh viện Nhi. Cách một quãng khá xa không có số nhà nào lại đến số 2 (căng tin của Bộ đội Biên phòng tỉnh), sát đó là mấy ngôi nhà đều mang số 1 của tổ 11, phường Cửa Bắc. Đối diện với khu căng tin đã nói (mang số chẵn) là 3 ngôi nhà cũng mang số chẵn nằm ngay sát nhau được đánh số thứ tự 58 - 48 - 50. Phố Thành Chung, nằm ngay sát phố Hà Huy Tập, lại có tình trạng số nhà được đánh theo kiểu "hai trong một" như 85 (75) khiến người lạ chẳng biết số nào là chính xác nữa. Cũng trên tuyến phố này, nhà số 17 lại nằm cạnh các nhà số 2 và 5D. Ở phố Bắc Ninh thì nhà số 20 nằm ngay sát nhà số 53, đối diện với nhà số 40 ở lề đường phía bên kia. Một điều không hợp lý nữa là biển số của trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh và Tỉnh ủy (phố Vị Hoàng) lại được gắn trên cửa nách nằm cách cửa chính một đoạn khoảng 20 m, trong khi hai cái cửa chính bằng sắt to đùng lại chẳng được gắn số. Trên phố Hàn Thuyên (mới được đánh số lại với thứ tự ngược 100% so với cách đánh trước đây) lại có tình trạng biển của các ngõ hẻm lại được ghi tắt kiểu "N (ngõ) 1" thử tài suy luận của các vị khách lạ.

Tình trạng đánh số lộn xộn trên còn bắt gặp ở khá nhiều tuyến phố khác trong thành phố như phố Kênh, Trần Nhật Duật... Một chị đồng nghiệp định cư ngay giữa lòng thành phố còn kể đã phải mất mấy tiếng "toát mồ hôi hột" vận dụng hết tất cả tài suy luận của mình để tìm ra nhà cô giáo tiểu học của cô con gái lớn vì trong khu tập thể có nhiều nhà cùng số nhưng khác dãy. Tuy nhiên, vấn đề là chẳng có tấm biển nào treo ở đầu từng dãy nhà. Ở một số tuyến phố đã được đánh số lại có tình trạng người dân vẫn treo đồng thời số cũ và số mới cho "tiện giao dịch", hay dăm ba căn nhà có chung một số nhưng lại không được đánh theo thứ tự ABC.

Ngoài ra, còn có một cách đánh số khác "không theo bất cứ quy luật nào" tại các khu đô thị mới, khu tái định cư khiến cho người đi tìm nhà "hoa cả mắt" vì phải suy luận. Tại khu đô thị mới Hòa Vượng, số nhà lại được đánh theo mã số của miếng đất như lô 25/29. Tuy nhiên, đừng thắc mắc nếu nhà bên cạnh không phải là số 24/29 gì gì đó. Vấn đề là trong khu đô thị Hòa Vượng có hàng trăm khu đất được đánh số "Lô thứ N" nhưng lại không theo một trật tự nào cả. Một số ngôi nhà thì vẫn chưa mang biển trong khi một số khác lại "tự chọn" số nhà cho mình.

Sản phẩm của lịch sử

Theo người dân sống trên phố Hà Huy Tập, các căn nhà trên tuyến phố này được đánh theo địa chỉ ghi trong sổ hộ tịch của Công an và cũng chẳng hiểu tại sao lại có hiện tượng các nhà số chẵn (hay lẻ) lại nằm đối diện nhau trên cùng một con phố. Việc đánh số nhà lộn xộn đã gây nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người dân. Trao đổi với ông Nguyễn Quang Hoa, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố, thì được biết: Đến nay cơ bản các phố nội thành "đều đã được đánh số". Tuy nhiên, ở một số tuyến đường vẫn còn hiện tượng số nhà được đánh không theo "trật tự quy định". Nguyên nhân của tình trạng lộn xộn này chủ yếu là do "lịch sử để lại" như chia tách hộ, chuyển nhượng nhà cơ quan cho các cá nhân, nhiều tuyến phố được xây dựng mới, mở rộng hay kéo dài. Trong nhiều năm qua, thành phố Nam Định đã tiến hành nhiều đợt đánh số nhà nhưng đã có lúc công tác này phải dừng lại do có sự chuyển giao quản lý từ Bộ Công an sang Bộ Xây dựng, kéo theo là một số thay đổi về nguyên tắc đánh số nhà.

Cũng theo ông Hoa, năm 2010, UBND thành phố đã chỉ đạo lập 2 đề án về đánh số, gắn biển số nhà và đặt tên cho các tuyến phố mới. Cho đến nay, Ủy ban nhân dân thành phố đã hoàn thành đề án đặt tên, gắn biển cho các tuyến phố mới và đã được Hội đồng nhân dân thông qua. Từ đầu năm 2010 đến nay, thành phố đã đặt tên cho 32 tuyến phố mới, 2 cầu vượt Lộc An, Lộc Hòa và vườn hoa Prato (tên một thành phố Italia kết nghĩa với thành phố Nam Định), chiếm khoảng hơn 1/3 tổng số tuyến phố "không tên" trên địa bàn. Việc đặt tên cho các tuyến phố mới được tiến hành rất kỹ và theo một quy trình hết sức chặt chẽ. Theo kế hoạch, trong năm 2011 sẽ hoàn thành công tác điều tra hiện trạng và năm 2012 sẽ tiến hành thực hiện việc đánh số nhà.

Trong khi chờ đợi thành phố hoàn thành 2 đề án trên, người dân vẫn phải tiếp tục "sống chung" với những bất cập nêu trên. Vì vậy, theo lời khuyên của cánh xe ôm, các khách lạ khi đến thành phố Nam Định tốt nhất là điện thoại hỏi trước một "mốc không gian" nào đó để tránh bị lạc giữa các "trận đồ bát quái" số nhà.

Hữu Chiến