09:00 19/09/2011

Các xưởng cưa trong rừng vẫn hoạt động “bình thường”

Diện tích rừng trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm của các xưởng cưa đặt trong rừng, gần rừng. Việc xóa các cơ sở sản xuất trực tiếp góp phần phá rừng này, cho đến nay vẫn trong tình trạng "nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu".

Diện tích rừng trên địa bàn Đắk Lắk ngày càng bị thu hẹp bởi sự lấn chiếm của các xưởng cưa đặt trong rừng, gần rừng. Việc xóa các cơ sở sản xuất trực tiếp góp phần phá rừng này, cho đến nay vẫn trong tình trạng "nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu".

Trong khi việc "xóa" còn nằm trên giấy thì các xưởng cưa vẫn ngày đêm hoạt động, chỉ cần một số thủ thuật đơn giản như mua một ít gỗ có đủ giấy tờ đưa về xưởng “làm mồi”, sau đó, hàng đêm âm thầm nhập gỗ bất hợp pháp vào xưởng, xẻ ngay trong đêm để xuất bán gỗ xẻ, hoặc sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp, nội thất khác bán hợp pháp.

Từ năm 2010, tỉnh Đắk Lắk đã có các nghị quyết chuyên đề về phát triển rừng, quy hoạch mạng lưới chế biến lâm sản, hỗ trợ di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch... Tỉnh cũng đã đề ra mục tiêu khá cụ thể là đến cuối năm 2010 xóa bỏ hết cơ sở chế biến lâm sản trong rừng, gần rừng và đến ngày 31/12/2011 sắp xếp, di dời phần lớn các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch.

Với lộ trình này, đến cuối năm 2012, tỉnh Đắk Lắk hoàn thành việc di dời các cơ sở chế biến lâm sản vào các khu, cụm công nghiệp, điểm quy hoạch chế biến lâm sản. Thế nhưng, hiện đã gần hết năm 2011, các cơ sở chế biến gỗ ở các địa phương, nhất là các địa bàn trọng điểm phá rừng như Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Năng... vẫn hoạt động" bình thường". Ngay trong vùng đệm của Vườn quốc gia Yok Đôn hiện vẫn còn 3 xưởng chế biến gỗ hoạt động.

Đắk Lắk hiện có trên 506 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó có 83 cơ sở thuộc các doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở sản xuất đồ mộc cá thể quy mô hộ gia đình, trong đó có hàng chục xưởng cưa nằm trong rừng, ven rừng...

Quang Huy