06:21 22/06/2015

Các xã vùng biển Nghệ An nâng cao chất lượng dân số

Việc triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển (Đề án 52) tại tỉnh Nghệ An đã góp phần ổn định quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số vùng biển và ven biển của tỉnh. Trong đó, có vai trò không nhỏ của các địa phương.

Việc triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển (Đề án 52) tại tỉnh Nghệ An đã góp phần ổn định quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số vùng biển và ven biển của tỉnh. Trong đó, có vai trò không nhỏ của các địa phương.

Xã Diễn Vạn là một trong 9 xã vùng biển của huyện Diễn Châu (Nghệ An). Bà con giáo dân trên địa bàn xã chiếm tới 30% dân số, bởi vậy mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao (khoảng 30%). Bên cạnh đó, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai hiện đại đạt thấp, tỷ lệ viêm nhiễm đường sinh sản cao. Người dân Diễn Vạn vẫn chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung; các vấn đề về sức khỏe sinh sản, sức khỏe vị thành niên, người cao tuổi chưa được giải quyết tốt... Trước thực trạng đó, các hoạt động truyền thông trực tiếp được Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh, với nhiều hình thức và nội dung phong phú, ngày càng phù hợp hơn với các nhóm đối tượng vùng biển, phụ nữ vùng giáo, nam giới, thanh niên, vị thành niên.

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho trẻ em xã Diễn Vạn, Diễn Châu.


Đặc biệt, dù còn nhiều khó khăn, nhưng chính quyền xã Diễn Vạn đã trích kinh phí 50 triệu đồng từ ngân sách xã để đẩy mạnh hoạt động truyền thông tư vấn gắn với cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; có chính sách khuyến khích khen thưởng cho những cặp vợ chồng 3 năm liền trở lên không sinh con thứ ba với mức 1 triệu đồng/gia đình. Xã Diễn Vạn cũng đưa mục tiêu nâng cao chất lượng dân số vùng biển vào Nghị quyết của xã, mỗi xóm lại đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước của xóm để thực hiện, làm tiêu chí bình xét thi đua hàng năm.

Bà Trần Thị Lương, Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện Diễn Châu chia sẻ: Từ khi kinh phí của Đề án 52 bị cắt giảm, công tác triển khai các hoạt động kiểm soát dân số vùng biển cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo một số địa phương đã không đứng ngoài cuộc mà thực sự quan tâm đến công tác này, nhờ vậy nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số vùng biển được triển khai khá tốt. Người dân các xã vùng biển cũng dần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi kế hoạch hóa gia đình. Họ đã dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt và chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đây thực sự là động lực để những người làm công tác dân số hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với xã Diễn Vạn, 38 xã ven biển khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện khá hiệu quả công tác nâng cao chất lượng dân số vùng biển. Các Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền lồng ghép đến những đối tượng khó tiếp cận như vị thành niên, thanh niên đi làm ăn xa hoặc đi biển dài ngày, phụ nữ vùng biển mải lo việc nuôi trồng thủy sản, làm muối, buôn bán.

Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cho biết: Để triển khai có hiệu quả Đề án 52, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các xã vùng biển là rất quan trọng và cần thiết. Các xã đã chú trọng lồng ghép mục tiêu dân số trong các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Chính quyền xã cũng vào cuộc làm công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của người dân vùng biển với nhiều hình thức, cách làm phù hợp với từng đối tượng. Trong hoạt động truyền thông, chính quyền địa phương đã hướng tới đối tượng nam giới nhiều hơn, đưa nam giới trong độ tuổi sinh đẻ vào cuộc để họ có trách nhiệm trong thực hiện mục tiêu đề ra.

Để nâng cao chất lượng dân số vùng biển, thời gian tới, ngành Dân số tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương xã ven biển cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sau sinh nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời dị tật bẩm sinh thời kỳ bào thai và sơ sinh; nâng cao nhận thức cũng như chuyển đổi hành vi của cộng đồng về thực hiện pháp luật, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Để thực hiện mục tiêu trên, địa phương mong muốn Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế hỗ trợ thêm trang thiết bị y tế, phương tiện cho các trạm y tế, các đội lưu động cấp tỉnh và cấp huyện để có đầy đủ điều kiện triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Tỉnh Nghệ An cũng quan tâm đầu tư phát triển kinh tế vùng biển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ biển, tạo việc làm ổn định bền vững cho người dân nhất là phụ nữ nhằm khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới, cải thiện vị thế người phụ nữ trong xã hội, từ đó thực hiện tốt mục tiêu giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số vùng biển.

Bích Huệ