12:08 15/12/2014

Các trường phải tự khẳng định bằng chất lượng đào tạo

“Cần phải có lòng tin vào chất lượng phổ thông hiện nay. Nếu không, sẽ phủ nhận những nỗ lực và nhiều giải pháp đồng bộ mà các Sở GD - ĐT, nhà trường đang thực hiện.

“Cần phải có lòng tin vào chất lượng phổ thông hiện nay. Nếu không, sẽ phủ nhận những nỗ lực và nhiều giải pháp đồng bộ mà các Sở GD - ĐT, nhà trường đang thực hiện. Việc chọn lựa phương án xét tuyển nào cũng thể hiện sự phân tầng đại học. Đây là hướng đi đúng trong đổi mới giáo dục đại học trong nhiều năm tới”, ông Mai Văn Trinh (ảnh), Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT, đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề đảm bảo chất lượng “đầu vào” nếu chọn xét tuyển bằng học bạ.

Ông Mai Văn Trinh.



´* Tiêu chí xét tuyển bằng học bạ đang đặt ra nhiều băn khoăn về chất lượng “đầu vào”. Khi làm những bộ tiêu chí cho phép các trường ĐH, CĐ xét tuyển, Bộ GD - ĐT có tính tới thực trạng này không, thưa ông?

Quyền tuyển sinh là quyền tự chủ của mỗi trường điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục đại học. Khi đưa ra những điểm mới trong việc xét tuyển, Bộ GD - ĐT đã có những quy định khá chặt chẽ về việc này. Cụ thể, các trường tuyển sinh dựa vào kết quả THPT của thí sinh đều có quy định ngưỡng chất lượng đầu vào, thường điểm trung bình chung 3 năm THPT là 6 trở lên đối với ĐH và 5,5 trở lên đối với CĐ.

Chất lượng “đầu vào” là do yêu cầu của mỗi trường ĐH. Bộ GD - ĐT đưa ra các tiêu chí và đã tính toán kỹ. Nếu nói việc sử dụng học bạ chưa tin tưởng là chưa có cơ sở. Nếu không tin vào học bạ, chất lượng phổ thông thì đã phủ nhận những nỗ lực của các Sở GD - ĐT, nhà trường. Cái lo của dư luận là vấn đề đặt ra, còn thực tế, chất lượng “đầu ra” sẽ là câu trả lời rõ nhất.

Thực tế có trường lựa chọn phương án xét học bạ có trường không… đây cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo. Đây cũng thể hiện rõ sự phân tầng trong giáo dục đại học. Như vậy, những chủ trương của ngành là đang đi đúng hướng với định hướng đổi mới giáo dục.

* Để nâng cao hiệu quả giám sát, đảm bảo chất lượng “đầu vào”, Bộ GD - ĐT sẽ có những biện pháp nào, thưa ông?

Cùng với đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành đã có hàng loạt các giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh ngay nếu có sai phạm. Cụ thể, cắt giảm chỉ tiêu hoặc không cho tuyển sinh đối với những trường không thực hiện đúng quy định của Bộ GD - ĐT. Việc các trường ĐH, CĐ mở rộng “đầu vào” cho các thí sinh nhưng không phải là tất cả thí sinh nào đủ điều kiện cũng vào được ĐH, CĐ. Hàng năm, Bộ GD - ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dựa vào cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Các trường chỉ được tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ GD - ĐT giao chứ không được phép tuyển vượt. Như năm 2014, Bộ GD - ĐT đã không cho phép nhiều trường tuyển sinh do thiếu những điều kiện đảm bảo tuyển sinh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, quy mô ĐH - CĐ ở nước ta còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu người học. Hiện nay, nước ta mới chỉ đáp ứng được 200 trường/vạn dân, trong khi Thái Lan là 400 trường/vạn dân. Do vậy, sau này việc tuyển chọn và phân tầng đại học sẽ rõ ràng hơn. Chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện vào ĐH rồi. Như vậy, việc phân tầng đại học sau này cũng sẽ rõ ràng hơn. Các trường muốn tồn tại, đứng vững phải tự khẳng định bằng chất lượng đào tạo của mình.

* Xin cảm ơn ông!


Lê Vân
(thực hiện)