01:20 19/01/2015

Các thủ nhang Phủ Dầy phản ứng 'nhiệm kỳ 5 năm'

Quy chế không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang hiện nay mà vẫn tạo điều kiện nếu các thủ nhang có đơn đề nghị và cam kết thực hiện đúng quy định về quản lý di tích để được tiếp tục trông coi, quản lý di tích trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên sau khi Quy chế có hiệu lực.

UBND huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) vừa ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản).

Ngày 17/1, trao đổi với phóng viên TTXVN về những phản ứng của một số thủ nhang tại Phủ Dầy, ông Trần Anh Dũng - Bí thư Huyện ủy Vụ Bản (Nam Định) khẳng định: Quy chế không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang hiện nay mà vẫn tạo điều kiện nếu các thủ nhang có đơn đề nghị và cam kết thực hiện đúng quy định về quản lý di tích để được tiếp tục trông coi, quản lý di tích trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên sau khi Quy chế có hiệu lực.

Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử văn hóa phủ Dầy vừa được ban hành quy định rõ về tiêu chuẩn, cách thức cử chọn người trụ trì, trông coi, quản lý di tích, cũng như việc thu chi liên quan đến di tích. Theo đó, người được cộng đồng tín nhiệm cử ra trông coi, quản lý các di tích thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích và có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích, về Lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu; có đủ sức khỏe và khả năng khai thác phát huy giá trị của di tích; bản thân và gia đình thực tốt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Trần Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản, tỉnh Nam Định.


Sau 5 năm đảm nhiệm, nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện và được nhân dân tín nhiệm thì tiếp tục được giao quản lý. Người được giao trông coi di tích phải đảm bảo nguyên trạng của di tích, nếu di tích xuống cấp phải báo cáo, đề xuất kế hoạch trùng tu, tôn tạo....

Liên quan đến nguồn thu từ di tích, Quy chế quy định: nguồn thu từ giấy chứng nhận công đức, hòm công đức, tiền cúng tiến, ủng hộ, tài trợ... chủ yếu được sử dụng vào việc tu bổ, tôn tạo, bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ di tích. Nguồn thu từ tiền dầu nhang, viết sớ, tiền đặt lễ... dùng để chi cho công tác quản lý điều hành, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền. Mục đích của Quy chế là nhằm đổi mới việc quản lý theo hướng giao cho cộng đồng tham gia quản lý, tránh tình trạng tư nhân hóa, góp phần ổn định trật tự xã hội, qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố gốc của di tích và quản lý tốt việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật.

Trong quá trình soạn thảo và sau khi được ký ban hành, Quy chế nói trên được nhiều ý kiến đồng tình của cộng đồng địa phương và các thủ nhang, song cũng có những ý kiến phản ứng. Bà Trần Thị Duyên (85 tuổi, thủ nhang phủ Tiên Hương) cho rằng: Quy chế không hợp lý, gia đình tôi phải được tiếp tục quản lý vì chúng tôi đã có công bảo tồn, tôn tạo di tích Phủ Tiên Hương trong hơn 20 năm.

Bà Trần Thị Huệ (con gái bà Trần Thị Duyên) cho biết, năm 1988 khi phủ Tiên Hương đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều đồ thờ hư hỏng nặng, ông Trần Viết Đức (bố bà Huệ) được nhân dân và chính quyền địa phương cử ra trông coi, quản di tích. Trong hơn 20 năm qua, gia đình bà đã đầu tư nhiều tỷ đồng để trùng tu di tích khang trang như hiện nay. Vì vậy, gia đình bà không đồng ý việc UBND huyện Vụ Bản đưa ra Quy chế quản lý. Còn ông Lê Hồng Lân, thủ nhang Lăng Mẫu cho rằng cần giữ nguyên như hiện nay. Ông cho biết, gia đình ông đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để xây dựng, tu bổ di tích, đến nay ông vẫn nợ một số đơn vị xây dựng hơn 20 tỷ đồng.

Du khách thập phương về dự hội chợ Viềng thành tâm dâng hương lễ Mẫu tại Phủ Dầy. Ảnh: Quý Trung-TTXVN


Trước những ý kiến còn băn khoăn của một số thủ nhang, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản Trần Anh Dũng nêu rõ: Việc đưa ra Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là hết sức cần thiết để quán triệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa. Đây cũng là bước đi tiến tới việc lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Quần thể di tích Phủ Dầy là Di tích cấp quốc gia đặc biệt, sau khi Lễ hội Phủ Dầy và Nghi lễ Chầu văn của người Việt đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Quy chế không nhằm mục đích thay thế các thủ nhang hiện nay. Tại điều 13 của Quy chế đã nêu rõ, việc tiến cử người trụ trì, trông coi, quản lý di tích sẽ ưu tiên những người có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích và có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích, về lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo ông Dũng, trước mắt, nếu các thủ nhang có nguyện vọng tiếp tục quản lý di tích thì làm đơn và cam kết thực hiện quản lý di tích đúng quy định của pháp luật, địa phương sẽ tiến hành bổ nhiệm trụ trì nhiệm kỳ đầu tiên thời hạn 5 năm. Hết nhiệm kỳ, người trụ trì nếu được nhân dân tín nhiệm có thể tiếp tục công việc.

Ông Dũng cho biết thêm: Trong quá trình soạn thảo, ban hành Quy chế, huyện đã xin ý kiến của UBND tỉnh Nam Định và các ngành chức năng như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Sở Tư pháp... Quy chế cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao, coi đây là hình mẫu để các địa phương khác tham khảo. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng như điện, đường giao thông... phục vụ Quần thể di tích Phủ Dầy; UBND huyện chi từ 500-700 triệu đồng mỗi năm để tổ chức Lễ hội Phủ Dầy, chợ Viềng Xuân... Việc ban hành Quy chế là cần thiết để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di tích đồng thời khắc phục những tồn tại như nạn trộm cắp, cờ bạc, sư giả...

Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy gồm hơn 20 di tích thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Nơi đây có bộ ba di tích liên quan chặt chẽ tới Mẫu Liễu Hạnh là phủ Vân Cát, phủ Tiên Hương và lăng bà Chúa Liễu Hạnh. Ngoài ra, Phủ Dầy còn có hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất độc đáo là Nghi lễ Chầu văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dầy - một trong những lễ hội mùa Xuân lớn nhất miền Bắc, được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo du khách thập phương.


Tin, ảnh: Nguyễn Trường