09:08 28/09/2012

Các thị trường thế giới lại chao đảo vì nợ công châu Âu

Thị trường dầu mỏ giảm giá sâu, còn chứng khoán thế giới toàn cầu đồng loạt chao đảo trong bối cảnh mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lại trỗi dậy....

Thị trường dầu mỏ giảm giá sâu, còn chứng khoán thế giới toàn cầu đồng loạt chao đảo trong bối cảnh mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lại trỗi dậy, còn người dân Tây Ban Nha và Hy Lạp đổ xuống đường biểu tình giận dữ phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ.


 

Các cuộc biểu tình gần khu vực trụ sở quốc hội Tây Ban Nha bước sang đêm thứ hai liên tiếp. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Sau một ngày chìm trong sắc đỏ, TTCK Mỹ hồi phục nhẹ phiên mở cửa ngày 27/9. Chỉ số Dow Jones tăng 0,37%, lên 13.462,63 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 0,37%, lên 1.438,59 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq chỉ tăng 0,27%, lên 3.101,92 điểm. Cùng ngày tại châu Âu, cả ba chỉ số chính của khu vực cũng hồi phục sau một ngày đi “giật lùi”. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 0,39% lên 5.791,3 điểm trong các phiên giao dịch sáng. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,5% lên 7.312,6 điểm. Chỉ số CAC của Pháp tăng 0,78% lên 3.441,56 điểm. Tại châu Á, các chỉ số chứng khoán đồng loạt tăng điểm nhờ thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ bơm gần 60 tỷ USD vào thị trường tiền tệ trong tuần này.


Ngày 27/9, giá dầu thế giới hồi phục nhẹ một ngày sau khi giá dầu thô trên thị trường New York tụt xuống mức thấp nhất trong vòng hai tháng qua (dưới 90 USD/thùng). Tại New York, giá dầu ngọt nhẹ giao trong tháng 11 tăng lên 90,26 USD/thùng sau khi giảm xuống còn 88,95 USD hôm 26/9. Giá dầu thô biển Bắc giao trong tháng 11 tăng lên mức 110,21 USD/thùng trên thị trường Luân Đôn.


Trong khi đó, các nước Eurozone tiếp tục làn sóng biểu tình rầm rộ. Hàng ngàn người dân ngày 27/9 đã tập trung gần khu vực quốc hội Tây Ban Nha đêm thứ hai liên tiếp với các khẩu hiệu "Chính phủ từ chức!", "Chúng tôi không sợ" khi đối mặt với cảnh sát chống bạo động. Tây Ban Nha đang đối diện với khả năng phải nhờ đến gói cứu trợ quốc tế khi lãi suất vay mượn đã trở lại mức nguy hiểm.


Ngày 27/9, Tây Ban Nha phải thông qua ngân sách thắt lưng buộc bụng năm 2012, trong đó có khả năng các công chức sẽ bị giảm lương năm thứ ba liên tiếp. Còn trong ngày 28/9, Tây Ban Nha sẽ phải công bố kế hoạch kiểm toán độc lập các ngân hàng đang gặp khó khăn để tính toán số tiền cần cho hoạt động củng cố lại các ngân hàng.


Tại Hy Lạp, hơn 50.000 người biểu tình cũng xuống đường ở thủ đô Aten trong bối cảnh các lãnh đạo nước này có kế hoạch họp để quyết định cắt giảm thêm chi tiêu.


Trong khi đó, Hội đồng châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn bất đồng về cách giúp Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công. EU muốn dành cho Hy Lạp thêm thời gian để đáp ứng các điều kiện nhận cứu trợ, còn IMF muốn EU đưa ra một giải pháp toàn diện cho các vấn đề đang tồn tại trong khu vực này.


Thùy Dương