07:09 01/07/2012

Các nước thông qua kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao các cường quốc thế giới và khu vực khai mạc ngày 30/6 tại Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí thông qua một kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria (Xyri).

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao các cường quốc thế giới và khu vực khai mạc ngày 30/6 tại Giơnevơ (Geneva, Thụy Sĩ), các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí thông qua một kế hoạch chuyển giao quyền lực tại Syria (Xyri).  

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) tham dự hội nghị. Ảnh: THX-TTXVN


Nội dung của kế hoạch trên cho thấy các nước phương Tây đã nhất trí được rằng các thành viên của chính quyền Syria hiện nay có thể ở lại trong chính quyền mới, nhưng trong đó sẽ không có đương kim Tổng thống  Syria Bashar al-Assad.


Cuộc họp diễn ra theo đề xuất của Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan, có ngoại trưởng của 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc và Pháp) cùng người đồng cấp các nước Qata (Cata), Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait (Côoét) và Iraq (Irắc).


Nga và Trung Quốc khẳng định quan điểm người dân Syria sẽ phải quyết định việc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra như thế nào, thay vì để các nước khác quyết định số phận của họ.


Mặc dù nội dung của thỏa thuận trên không công khai về việc Tổng thống  Syria Bashar al-Assad sẽ phải ra đi, nhưng phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Annan nói ông không tin người dân Syria sẽ lựa chọn những nhà lãnh đạo “với đôi bàn tay vấy máu”.


Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì nói thẳng Oashington (Oasinhtơn) không muốn ông Assad tham gia chính quyền mới. “Ông Assad sẽ phải ra đi”, bà nói.


Cùng quan điểm này còn có Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius.


Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục quan điểm phản đối việc loại ông Assad ra khỏi tiến trình chuyển giao quyền lực tại Syria, mặc dù quan hệ song phương gần đây không còn mặn nồng như trước.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói: “Chính người dân Syria sẽ quyết định chính xác quá trình chuyển giao sang một giai đoạn mới… Không ai được phép ra lệnh loại bỏ một nhóm nào ra khỏi quá trình này”.


Trung Quốc cũng nhấn mạnh “người ngoài không thể quyết định thay người Syria”.


Một số nội dung chính của thỏa thuận bao gồm
các bên tái cam kết chấm dứt bạo lực và thực thi ngay lập tức kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan; quá trình chuyển giao quyền lực có thể giữ lại các thành viên của chính phủ hiện tại, của phe đối lập và các phe nhóm khác; và sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở đồng thuận; người dân Syria sẽ quyết định tương lai của đất nước họ. Mọi phe nhóm phải được tham gia một tiến trình đối thoại dân tộc.


Trong khi đó, bạo lực vẫn tiếp diễn dữ dội tại Xyri. Các nhà quan sát cho biết ít nhất 83 người, hầu hết là dân thường, đã thiệt mạng trong các vụ bạo lực xảy ra trên toàn lãnh thổ nước này trong ngày 30/6.


Ngoài ra, hàng trăm người khác đang bị mắc kẹt tại thành phố Douma gần thủ đô Damascus (Đamát), khi các lực lượng chính phủ tìm cách vãn hồi trật tự tại thành phố này. Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria đã hối thúc Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm Đỏ khẩn cấp cử các nhóm y tế tới Douma. Thành phố này là nơi thường xuyên xảy ra giao tranh giữa các lực lượng nổi dậy và binh sĩ chính phủ trong những tháng qua.


Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria, đã có trên 15.800 người thiệt mạng do bạo lực ể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền hồi tháng 3/2011.


VH