09:19 29/09/2014

Các nước lớn xoay trục sang châu Á-TBD để kiềm chế nhau (tiếp theo)

Sau Mỹ phải nói đến sự “xoay trục” hay bành trướng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Vốn là một nước nằm ở khu vực này, lâu nay Trung Quốc đã muốn vươn lên trước hết là làm chủ châu Á với khẩu hiệu “châu Á phải thuộc về người châu Á”.

Sau Mỹ phải nói đến sự “xoay trục” hay bành trướng của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Vốn là một nước nằm ở khu vực này, lâu nay Trung Quốc đã muốn vươn lên trước hết là làm chủ châu Á với khẩu hiệu “châu Á phải thuộc về người châu Á”.

Trung Quốc ráo riết mở rộng Gạc Ma.


Hiện người châu Á khổng lồ là Trung Quốc đứng đầu châu lục này. Một khi đã làm chủ được châu Á, Trung Quốc phải vươn ra cả Thái Bình Dương, nhất là sau khi Trung Quốc đã mạnh lên về nhiều mặt (như đã nói ở trên) và đã qua được mặt Nhật Bản. Bắc Kinh lo ngại nhất là Mỹ muốn bá chủ châu Á - Thái Bình Dương và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc tuy Trung Quốc luôn nói dối rằng họ chỉ “trỗi dậy một cách hòa bình”.

Trong thâm tâm của mình, ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc luôn muốn bành trướng xuống Biển Đông, vì Trung Quốc đi lên phía bắc thì vướng nước Nga, đi sang phía đông thì vướng Nhật Bản, Hàn Quốc, đi sang phía tây thì vướng Ấn Độ.

Biển Đông còn rộng đường đất cho Trung Quốc và Trung Quốc đã thể hiện ý đồ này từ mấy chục năm nay với mưu đồ thực hiện “đường lưỡi bò” gồm 9 đoạn mà Tưởng Giới Thạch đã đề ra khi còn cầm quyền ở đại lục nhưng không thực hiện được.

Gần đây việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 vào quần đảo Hoàng Sa và vùng chủ quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam càng thể hiện rõ dã tâm đó. Việc Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch xây dựng và mở rộng đảo Gạc Ma (có thể cả các đảo khác nữa) cũng không nằm ngoài ý đồ bành trướng xuống Biển Đông của Bắc Kinh theo kiểu “vết dầu loang” hay “mối ăn dần từng khúc gỗ”.

Bành trướng xuống Biển Đông, Trung Quốc còn muốn kiểm soát các đường hàng hải quốc tế chạy qua đây để đưa hàng hóa và các tài nguyên khác từ Trung Đông - châu Phi và Ấn Độ Dương sang Đại Tây Dương (như đã nói ở trên). Xuống được Biển Đông, Trung Quốc còn nhằm khai thác, thậm chí dùng sức mạnh để cướp đoạt từ những nước yếu kém nguồn dầu lửa, khí đốt, băng cháy, thủy hải sản ở khu vực này.

Xoay trục hay mở rộng ra toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc nhằm ngăn chặn trước hết là Mỹ rồi đến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ. Từng bước đưa lực lượng quân sự của Trung Quốc vào khu vực này, nhất là lực lượng quân sự của Trung Quốc đến một số đảo, quần đảo quan trọng mà trước đây Trung Quốc chưa có đủ sức để làm.

Đi liền với Trung Quốc là nước Nga. Nga luôn luôn là một cường quốc có vai vế ở cả châu Âu và châu Á do vị trí địa lý của Nga trải rộng trên cả hai châu lục này. Do đó, Nga cũng đang tìm mọi cách để “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương.

Muốn vậy Nga phải làm rất nhiều việc, từ việc phải khôi phục nhanh nền kinh tế bị sa sút nghiêm trọng sau khi Liên Xô cũ sụp đổ và trong những năm cầm quyền yếu kém của Boris Yelsin, phải tăng cường vị thế chính trị và ngoại giao để xứng với một cường quốc có địa vị đáng kể trên thế giới; phải nâng cao tiềm lực quốc phòng và sức mạnh quân sự để thiên hạ vị nể; phải thiết kế được một mạng lưới đối tác hoặc liên minh để hỗ trợ cho mình.

Làm được những việc như trên và có được những nhóm nước hoặc một số nước là đối tác và là liên minh đáng kể, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Liên minh Hải quan Á - Âu gồm Nga -Belarus - Kazakhstan và các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác trong khối ASEAN, Nga mới vừa có thể chống được sự liên minh giữa Mỹ với EU và NATO đang gây sức ép trừng phạt và lấn sang sát nước Nga sau khi Nga giật lại vùng Crimea từ Ukraine đưa về LB Nga và hỗ trợ cho một số vùng thuộc phía Đông của Ukriane muốn tách ra thành những nước độc lập, vừa có điều kiện xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời với những việc làm nói trên, Nga phải dồn sức ngay vào việc phát triển và khai thác những tiềm năng to lớn của vùng Siberia rộng lớn nằm trên lục địa châu Á mà Nga đã để “hoang hóa” trong nhiều năm nay và đang bị người láng giềng khổng lồ Trung Quốc nhòm ngó, thậm chí đưa dân Trung Quốc sang khai thác và làm ăn, còn đông hơn cả dân số Nga ở đây.

Sự liên kết Nga - Trung tuy quan trọng với Nga vào lúc này vì Trung Quốc ủng hộ những việc làm của Nga chống Mỹ - EU - NATO và Nga bán được một nguồn dầu khí khá lớn cho Trung Quốc trong vòng 30 năm tới với giá trị hợp đồng lên tới 400 tỷ USD; nhưng giữa Nga và Trung Quốc chưa bao giờ có sự tin cậy tuyệt đối với nhau vì các va chạm và các mối thâm thù trong lịch sử.

Người Trung Quốc không quên Liên Xô trước đây đã từng đánh dằn mặt Trung Quốc nhiều lần. Người Nga cũng không thể quên khi còn trong phe XHCN với nhau, Trung Quốc đã nhiều lần định giành giật vai trò lãnh đạo toàn phe của Liên Xô cũ; Trung Quốc đã từng đi đêm với Mỹ để chống Liên Xô trước đây hoặc thọc sườn nước này nhiều lần. Chính vì thế mà Andrei Gromyko, Bộ trưởng Ngoại giao kỳ cựu của Liên Xô trước đây đã từng cảnh báo người Nga rằng “bạn có thể đang ở tâm trạng phấn khích về Trung Quốc nhưng rồi thời gian sẽ làm tất cả các bạn phải rơi lệ!”.

Nga cũng muốn kết thân với một số nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và một số bạn cũ để khẳng định sự hiện diện của mình ở khu vực này lâu dài; để phát huy ảnh hưởng của mình về nhiều mặt, nhất là về quốc phòng, an ninh, buôn bán vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác, tìm đặt các căn cứ quan trọng cho các tàu bè và máy bay chiến lược của Nga ở khu vực này.

Tất cả chỉ nhằm để kiềm chế và chống Mỹ thâm nhập sâu vào châu Á - Thái Bình Dương; để canh chừng Trung Quốc tuy nói là đang “trỗi dậy một cách hòa bình” nhưng thực chất là đang bành trướng và dùng sức mạnh của mình về các mặt không chỉ để kiềm chế và cạnh tranh với Mỹ mà còn để đe dọa và thôn tính những nước nào không nghe theo Trung Quốc khi Bắc Kinh thấy cần.

(Còn tiếp)


Hồ Đức Minh