12:10 01/12/2011

Các nước châu Âu phản ứng mạnh với Iran

Nhiều quốc gia châu Âu đã có phản ứng mạnh mẽ với Têhêran nhằm phản đối vụ tấn công Đại sứ quán Anh và khu nhà Hội đồng Anh ở Iran ngày 29/11.

Ngày 30/11, sau khi Anh yêu cầu Iran đóng cửa Đại sứ quán nước này tại Luân Đôn đồng thời nhanh chóng rút toàn bộ nhân viên ngoại giao Iran khỏi Anh, nhiều quốc gia châu Âu khác cũng có phản ứng mạnh mẽ với Têhêran nhằm phản đối vụ tấn công Đại sứ quán Anh và khu nhà Hội đồng Anh ở Iran ngày 29/11.

Người biểu tình đập phá Đại sứ quán Anh ở Têhêran. Ảnh: Internet.


Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã chỉ trích, gọi vụ việc là "đáng hổ thẹn". Bộ Ngoại giao Pháp đã quyết định triệu hồi đại sứ nước này ở Têhêran về "bàn bạc". Tương tự, ngày 30/11, hai quốc gia châu Âu khác là Đức và Hà Lan cũng triệu hồi đại sứ tại Iran về trao đổi. Trong phản ứng mạnh hơn, Na Uy đã đóng cửa sứ quán của mình ở Têhêran, còn Thụy Điển triệu đại sứ Iran ở nước này đến để thể hiện sự phản đối.
Một nguồn tin ngoại giao của Anh ngày 30/11 cho biết Luân Đôn có thể xem xét cấm nhập khẩu dầu mỏ của Iran, đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc sẽ phối hợp cùng Đức và Pháp.

Ngoại trưởng Nhật Bản Gemba Koichiro cho biết,chính phủ nước này đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran, đồng thời kêu gọi Iran tránh để các vụ việc tương tự tái diễn.

Phản ứng lại, ngày 30/11, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẽ "trả đũa" Anh vì đã trục xuất tất cả các nhà ngoại giao nước này tại Luân Đôn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Ramin Mehmanparast gọi quyết định đóng cửa sứ quán và trục xuất các nhân viên ngoại giao Iran tại Luân Đôn là biện pháp "tiêu cực, hấp tấp" và "chắc chắc sẽ bị trả đũa".

Chủ tịch Ủy ban chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Quốc hội Iran, ông Alaeddin Boroujerdi cùng ngày tuyên bố: "Anh sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả hậu quả pháp lý và ngoại giao vì quyết định đóng cửa Đại sứ quán Iran tại Luân Đôn và trục xuất các nhà ngoại giao Iran". Nghị sĩ này kêu gọi các quốc gia châu Âu khác không làm theo những chính sách của Mỹ và Anh. Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nói rằng,sự giận dữ của người biểu tình là hậu quả từ cách ứng xử của cính phủ Anh với Iran.

Biểu tình trước các đại sứ quán phương Tây xảy ra thường xuyên ở Iran, song vụ việc ngày 29/11 vừa qua là nặng nề nhất kể từ năm 1979, khi các sinh viên Hồi giáo tấn công Đại sứ quán Mỹ, bắt giữ 52 công dân Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Hậu quả của vụ việc là sự đổ vỡ toàn bộ các quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Iran.

Liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) họp tại Brúcxen (Bỉ) trong ngày 30/11 và 1/12 nhằm thảo luận một phản ứng chung của châu Âu đối với báo cáo gần đây của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng, Iran can dự vào các hoạt động nghiên cứu liên quan tới vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, IAEA cũng không kết luận rằng Iran đang tìm cách phát triển loại vũ khí này.

TTXVN/Tin tức