09:07 07/09/2012

Các nhà máy điện đảm bảo an toàn mùa mưa lũ

Khi miền Trung và Tây Nguyên sắp bước vào mùa mưa lũ thì các nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở khu vực này cũng đã hoàn tất các phần việc cuối cùng trong phương án phòng chống lụt bão (PCLB), sẵn sàng đón mùa lũ 2012.

Khi miền Trung và Tây Nguyên sắp bước vào mùa mưa lũ thì các nhà máy thủy điện (NMTĐ) ở khu vực này cũng đã hoàn tất các phần việc cuối cùng trong phương án phòng chống lụt bão (PCLB), sẵn sàng đón mùa lũ 2012.


Kiện toàn phương án


Hiện nay, các NMTĐ trong khu vực đã tổ chức diễn tập phương án PCLB, lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ từ xa tại các huyện hạ du và đặt camera giám sát hình ảnh phục vụ chỉ đạo điều hành PCLB từ nhà máy đến Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương.


Bên cạnh đó, các nhà máy cũng hoàn thành việc bảo dưỡng hệ thống các hạng mục công trình tuyến đầu mối, thường xuyên kiểm tra nguy cơ sạt lở các tuyến đường giao thông nội bộ để khắc phục thông tuyến nhanh chóng khi có sự cố xảy ra; bảo dưỡng và thử vận hành cầu trục chân đê đập tràn, đóng mở thử cửa van cung đập tràn...


Các tổ máy Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (DHD) đang chạy hết công suất để giảm lượng nước trong hồ. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN


Sông Ba là một trong 9 lưu vực sông lớn ở Việt Nam thuộc địa phận ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên và một phần nhỏ thuộc Kon Tum với tổng dung tích các hồ chứa trên lưu vực khoảng gần 1,6 tỷ m3.


Do địa hình lưu vực bị cắt xẻ nhiều bởi dãy Trường Sơn nên chế độ mưa trên lưu vực sông Ba tương đối phức tạp. Mùa mưa thường kéo dài từ tháng 9 - 12 và tập trung vào hai tháng 10 và 11, có thể đạt tới 866 mm/tháng, lưu lượng lũ có thể đạt tới trên 35.500 m3/giây. Do có sự khác biệt về khí hậu giữa các vùng dẫn đến đặc điểm lũ trên lưu vực sông Ba rất phức tạp, lũ thường kéo dài từ 7 - 9 ngày, đỉnh lũ kéo dài từ 1 - 2 ngày.


Để cảnh báo lũ đến với người dân sinh sống vùng hạ du sông Ba được kịp thời, trong quá trình xả lũ qua đập tràn, ngoài các thông báo và thủ tục còi hú theo quy định ngay từ mùa lũ năm ngoái, Công ty Thủy điện Sông Ba Hạ đã đưa 5 trạm cảnh báo bằng loa đặt tại các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh); xã Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) vào hoạt động.


Hiện các trạm cảnh báo này đã được bảo dưỡng và đảm bảo hoạt động tốt trong mùa lũ 2012. Công ty cũng ký hợp đồng với Đài khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam Trung bộ đo đạc, dự báo, quan trắc hồ chứa để chủ động hơn trong cảnh báo lũ và điều tiết lũ cho hạ du; đồng thời chuẩn bị 7 tình huống giả định mất an toàn đập và đưa ra giải pháp ứng phó từng tình huống cụ thể.


Thủy điện An Khê - Ka Nak nằm trên thượng nguồn sông Ba. Để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm nay, nhà máy đã hoàn thành tất cả các hạng mục chống sạt lở, chuẩn bị vật tư thiết bị cung ứng kịp thời khi bão lũ xảy ra. Phó Giám đốc Công ty Thủy điện An Khê - Ka Nak Nguyễn Văn Tặng cho biết, không chỉ hoàn tất phương án PCLB, công ty hiện đã xây dựng đội xung kích gồm 30 người được cắt cử giám sát và cảnh báo dân ở 4 địa điểm của hai xã Đông (huyện Kbang), Thành An (thị xã An Khê) trong trường hợp xả lũ.


Sau mỗi trận lũ và sau cả mùa lũ, nhà máy phải kiểm tra tình trạng ổn định, an toàn công trình, thiết bị bao gồm cả ảnh hưởng xói lở ở hạ lưu đập tràn; phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra thiệt hại vùng hạ du; lập báo cáo diễn biến lũ; sửa chữa những hư hỏng nguy hiểm đe dọa đến sự ổn định, an toàn công trình và thiết bị. Tháng 7 hàng năm là thời kỳ tổng kiểm tra trước mùa lũ đối với công trình này.


Bài bản và chuyên nghiệp


Đó là điều dễ nhận thấy qua tìm hiểu thực tế công tác PCLB tại các NMTĐ lớn trong khu vực. Chính những bài học đối chọi với thiên tai nghiệt ngã, chủ đầu tư các nhà máy đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để có cách làm bài bản và chuyên nghiệp hơn trong công tác PCLB, nhiệm vụ quan trọng không kém phần sản xuất kinh doanh điện.


Còi hú báo động lũ lụt và xả tràn hồ chứa tại huyện Đại Lộc. Ảnh: Ngọc Hà -TTXVN

Ngoài chuẩn bị kỹ càng cho phương án PCLB, năm nay Công ty cổ phần thủy điện A Vương bắt đầu đưa Trung tâm Thường trực chỉ huy PCLB phòng tránh giảm nhẹ thiên tai tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vào hoạt động. Hệ thống tự động báo mức ngập vùng hạ du sông Vu Gia thông qua tin nhắn tại một số vị trí đặc biệt sẽ được phát tín hiệu về trung tâm này để cảnh báo. Tại đây, hệ thống thông báo xả tràn hồ chứa nhận thông tin xả tràn qua điện thoại di động và thông báo cho người dân trong khu vực biết.

Tổng Giám đốc Công ty thủy điện A Vương Nguyễn Trâm, cho biết: Công ty đã xây dựng xong các cột báo mức ngập lụt tại 12 xã/thị trấn ven sông Vu Gia thuộc huyện Đại Lộc và tiến tới xây dựng bản đồ ngập lụt, kiểm soát mức ngập online khi có lũ lụt. Tại trung tâm huyện Đại Lộc, các xe PCLB đều lắp đặt các còi hú báo động lũ lụt và xả tràn hồ chứa.

Ngoài việc trang bị máy vô tuyến tần xa kết nối với Đài Thông tin Duyên Hải, công ty còn trang bị điện thoại vệ tinh tại đập A Vương, đảm bảo hệ thống thông tin tín hiệu không bị gián đoạn trong suốt thời gian mưa bão. Công ty còn ký hợp đồng với Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương, Đài KTTV Trung Trung bộ cung cấp thông tin về lượng mưa, lưu lượng nước về hồ A Vương, mực nước hồ, bản tin dự báo lũ, tư vấn điều tiết xả tràn khi mưa lũ để chủ động đối phó với thiên tai.

Không chỉ A Vương, các NMTĐ khác như Sông Tranh 2, An Khê Knak, Sông Ba Hạ, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cũng vậy. Đối với các công ty, NMTĐ trên cùng lưu vực sông khi thực hiện xả lũ sẽ theo quy chế phối hợp vận hành liên hồ trong mùa lũ hàng năm đã được các chủ hồ thống nhất và ban hành. Các số liệu quan trắc và vận hành hồ chứa của các nhà máy thường xuyên được thông báo về Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh, Nguyễn Văn Lân cho biết: Ngoài việc thực hiện quan trắc mực nước hồ, lượng mưa tại tuyến công trình, tính toán lưu lượng về hồ, lưu lượng xả tràn theo đúng quy định, các ca trực vận hành còn tính toán điều tiết lũ khi có lũ. Công ty cũng chuẩn bị phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng như đập tràn, cửa nhận nước, nhà máy; tăng cường lực lượng bảo vệ ở khu vực đập, hồ chứa và nhà máy, các thiết bị quan trắc cũng như chuẩn bị các vật liệu dự phòng để gia cố công trình khi cần thiết; ngăn ngừa gia súc đi lại trên đập và trong khu vực công trình; ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu xây dựng tại địa phương về việc ứng trực xử lý sự cố công trình xây dựng do mưa lũ gây ra.

Năm nay, công ty còn xây dựng 2 trạm cảnh báo lũ từ xa tại xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) và thôn 3 (Hiệp Hòa, Hiệp Đức) nhằm tăng thời gian thông báo cho nhân dân dạ du khi mở cửa đập tràn đầu tiên. Đồng thời ký quy chế phối hợp với các huyện hạ du của Quảng Nam như Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn; Trung tâm KTTV Quảng Nam; các chủ đập liên quan (Sông Tranh 3 và 4) về công tác vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa lũ hàng năm.

Gắn trách nhiệm với địa phương

Thực tế trong những năm qua cho thấy, ở địa phương nào thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn với các công ty, NMTĐ thì ở hạ du nơi đó ít xảy ra thiệt hại khi các hồ thủy điện xả lũ. Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi là một ví dụ. Hiện nay, lòng sông La Ngà, đoạn qua xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc đã và đang xuất hiện nhiều cụm dân cư tập trung sinh sống trong vùng ven sông, bãi bồi và vùng có nguy cơ ngập khi trên sông có lũ. Trước tình hình này, Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đã có Công văn số 517/TĐĐHĐ-KT gửi UBND tỉnh Bình Thuận về đảm bảo an toàn xả lũ hồ Hàm Thuận.

Ngay trong tháng 8, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo rà soát, lập danh sách 49 hộ dân đang sinh sống dọc lòng sông La Ngà, kiên quyết không cho xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm trái phép trong khu vực và có kế hoạch di dời ngay các hộ dân này lên cao hoặc ra khỏi vùng nguy hiểm khi công trình xả lũ hay mưa lớn cục bộ gây ngập lụt.

Đối với các hộ dân hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng trọt hoa màu, cây công nghiệp trên các bãi bồi dọc ven sông cần thông báo rõ đây là đất bồi lòng sông, thuộc hành lang thoát lũ công trình và không tổng hợp thiệt hại về cây trồng, vật nuôi đối với diện tích sản xuất này. UBND các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh còn có trách nhiệm thông báo và triển khai cắm biển cảnh báo tạm khuyến cáo người dân dọc ven sông La Ngà không canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trong vùng bị ảnh hưởng ngập lụt khi phải xả lũ qua đập tràn hồ Hàm Thuận, nếu không chấp hành cần có biện pháp cưỡng chế.

Theo Ông Lê Văn Quang, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, hiện Công ty đang chủ động hợp đồng các đơn vị tư vấn để xây dựng bản đồ ngập lụt phục vụ việc lập phương án PCLB cho hai khu vực hạ du hồ Đơn Dương và hồ Hàm Thuận. Mặc dù Công ty sẽ chịu toàn bộ nguồn kinh phí nhiều tỷ đồng để thực hiện nhưng do những nguyên nhân khách quan nên đề cương khảo sát vẫn chưa được phê duyệt.

Mục đích của việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du là xác định chính xác vị trí, địa lý, diện tích vùng bị ngập lụt do ảnh hưởng của chế độ xả lũ cũng như xây dựng phương án phòng lũ và ứng cứu trong quá trình xả lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân và bảo vệ an toàn hồ đập trong mùa mưa bão. Việc làm cần thiết này đã được Bộ Công Thương chỉ đạo các công ty thủy điện triển khai. Phần còn lại chính là sự vào cuộc của chủ đầu tư các NMTĐ có hồ chứa và chính quyền địa phương nơi có công trình. Có như vậy mới phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và đánh giá chính xác mức độ thiệt hại mỗi khi hồ chứa xả lũ.


Mai Phương