10:22 09/10/2011

Các nhà khoa học đoạt Nobel Hóa học trong vòng 10 năm qua

Năm 1999: Nhà hóa học mang hai quốc tịch Mỹ và Ai Cập là Ahmed Zewail được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu sử dụng tia lade cực nhanh để quan sát các phản ứng hóa học.

Năm 1999: Nhà hóa học mang hai quốc tịch Mỹ và Ai Cập là Ahmed Zewail được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu sử dụng tia lade cực nhanh để quan sát các phản ứng hóa học.

Theo kỹ thuật của Zewail, các nhà khoa học có thể sử dụng một loại máy camêra tạo ra một tia lade có tốc độ một phần trăm nghìn tỷ giây, tương đương với tốc độ của một phản ứng hóa học, giúp quan sát các nguyên tử chuyển động trong phân tử trong quá trình phản ứng.

Hai nhà khoa học Peter Agre (trái) và Roderick MacKinnon - giải Nobel Hóa học năm 2003.


Kỹ thuật này có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp, từ quan sát tác dụng của chất xúc tác đến xác định thiết kế của các linh kiện vi điện tử và cách sản xuất thuốc trong tương lai.

Năm 2000: Ba nhà khoa học gồm Alan Heeger và Alan MacDiarmid (người Mỹ) và Hideki Shirakawa (người Nhật Bản) cùng được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu xác định nhựa cũng có thể là một chất dẫn điện nếu qua một vài công đoạn xử lý.
Công trình nghiên cứu này mở ra một tương lai mới cho các nhà sản xuất trong việc tăng tốc độ xử lý và giảm kích cỡ của các máy tính hiện nay.

Năm 2001: Ba nhà hóa học gồm Ryoji Noyori (người Nhật Bản) và 2 người Mỹ là William Knowles và K.Barry Sharplees cùng được trao giải thưởng Nobel Hoá học vì những đóng góp của họ trong việc nghiên cứu các phản ứng xúc tác.

Các công trình nghiên cứu của họ được ứng dụng rộng rãi để sản xuất nhiều loại dược phẩm như thuốc kháng sinh, thuốc trị viêm xương và thuốc trị bệnh tim, đồng thời mở ra một hướng nghiên cứu mới mà dựa vào đó người ta có thể tìm ra phương pháp tổng hợp phân tử và vật chất với những tính chất mới.

(Từ trái qua phải) Ba nhà khoa học Aaron Ciechanover, Avram Hershko và Irwin Rose - giải Nobel Hóa học năm 2004.


Năm 2002:

Ba nhà hóa học là John Fenn (người Mỹ), Koichi Tanaka (người Nhật Bản) và Kurt Wuethrich (người Thụy Sĩ) cùng được trao giải thưởng Nobel Hóa học nhờ có công biến môn hóa sinh học thành một phương tiện đầy sức mạnh chống lại các bệnh alzheimer, bò điên và một số căn bệnh ung thư.

Ba nhà hóa học đã giúp sáng lập ra một môn khoa học mới gọi là prôtêômích, chuyên nghiên cứu về quá trình các prôtêin tác động với các chất khác trong tế bào và đây có thể là cơ sở để bào chế các loại siêu dược phẩm thế hệ sau dựa trên bộ gene người. Lĩnh vực nghiên cứu này đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

Năm 2003: Hai nhà khoa học người Mỹ là Peter Agre và Roderick MacKinnon cùng được trao giải thưởng Nobel Hóa học vì có những phát hiện làm sáng tỏ việc muối và nước được luân chuyển như thế nào trong cơ thể con người và các tế bào trong cơ thể “giao tiếp” với nhau ra sao.

Những phát hiện của hai ông đã đóng góp cho tri thức hóa học cơ bản về hoạt động của các tế bào như thế nào và đặc biệt có giá trị trong việc nghiên cứu tìm ra nguyên nhân và phương thức chữa các bệnh nguy hiểm ở người như bệnh thận, tim, cơ bắp và hệ thần kinh.

Năm 2004: Ba nhà khoa học hóa sinh Aaron Ciechanover và Avram Hershko (người Ixraen) và Irwin Rose (người Mỹ) cùng được trao giải thưởng Nobel Hóa học với công trình nghiên cứu khám phá sự phân hủy prôtêin trong cơ thể con người.

Công trình nghiên cứu của ba nhà khoa học trên đã làm sáng tỏ vai trò của các tế bào trong việc kiểm soát các quá trình hình thành cũng như phân hủy của prôtêin trong cơ thể người. Việc phân hủy prôtêin là một phần hoạt động của hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi quá trình phân hủy prôtêin gặp trục trặc, con người sẽ mắc bệnh. Hiểu biết quá trình phân hủy prôtêin sẽ giúp điều chế thuốc trị các chứng bệnh trong đó có ung thư cổ tử cung và xơ hoá nang...

(còn tiếp)

Minh Lan (Tổng hợp)