10:05 15/10/2011

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế trong những năm qua (Tiếp theo và hết)

Nhà kinh tế Mỹ Edmund S. Phelps đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2006 với công trình nghiên cứu về sự tác động giữa thất nghiệp, giá cả và lạm phát.

Năm 2006: Nhà kinh tế Mỹ Edmund S. Phelps đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2006 với công trình nghiên cứu về sự tác động giữa thất nghiệp, giá cả và lạm phát.

Công trình của ông giúp hiểu biết sâu sắc hơn về mối tương quan giữa hiệu ứng ngắn hạn và dài hạn của chính sách kinh tế. Cụ thể, ông đã chứng minh được tại sao và bằng cách nào có thể ổn định chính sách kinh tế vĩ mô trong tương lai và nền kinh tế tương lai phụ thuộc vào những quyết định của hiện tại.

Ba nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007.


Với công trình này, ông còn giúp cảnh báo về việc lạm phát có thể ăn sâu vào nền kinh tế, dẫn đến tình trạng cả lạm phát và thất nghiệp đều cao. Như vậy, nếu các dự báo về lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế có thể vận hành với tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn. Chính những nghiên cứu này của ông đã giúp các ngân hàng trung ương có thể có những biện pháp nhằm hạn chế lạm phát một cách nhanh chóng nhất.

Năm 2007: Ba nhà kinh tế Mỹ Leonid Hurwicz, Eric S. Maskin và Roger B. Myerson được trao giải Nobel Kinh tế năm 2007 vì đã đặt nền móng cho “lý thuyết thiết kế cơ chế”.

Lý thuyết của ba nhà kinh tế đã giúp con người nâng cao hiểu biết về các cơ chế phân bổ tối ưu, giúp các nhà kinh tế nhận biết được những cơ chế thương mại hữu hiệu. Ngày nay, lý thuyết thiết kế cơ chế đóng vai trò trung tâm trong nhiều lĩnh vực kinh tế và một phần trong khoa học chính trị.

Những cơ chế phân bổ từ công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế cũng đã giúp các cơ quan điều tiết kinh tế của nhà nước, các nhà quản lý kinh doanh thấy được những ưu, nhược điểm của từng cơ chế kinh tế, và chọn lựa thiết kế tối ưu trong một tình huống nhất định nào đó.

Năm 2008: Nhà kinh tế Mỹ Paul Krugman đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2008 với công trình phân tích các mô hình kinh tế và sự phân bổ hoạt động kinh tế trên thế giới.

Hai nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2009.


Với công trình này, nhà kinh tế Krugman đã góp phần giải đáp những câu hỏi về tự do thương mại như ảnh hưởng của tự do thương mại và toàn cầu hóa, động lực đứng sau quá trình đô thị hóa trên toàn cầu. Lý thuyết của ông được cho là đã hợp nhất các lĩnh vực nghiên cứu rải rác trước đây về thương mại quốc tế và địa lý kinh tế.

Cách tiếp cận của Krugman dựa trên giả thuyết rằng nhiều hàng hóa và dịch vụ có thể được sản xuất rẻ hơn. Do người tiêu dùng đòi hỏi một nguồn cung cấp hàng hóa đa dạng, nên mục tiêu sản xuất quy mô nhỏ cho một thị trường địa phương sẽ được thay thế bằng sản xuất quy mô lớn trong thị trường toàn cầu, ở đó các công ty có sản phẩm tương tự phải cạnh tranh với nhau.

Năm 2009: Hai nhà kinh tế Mỹ gồm bà Elinor Ostrom và ông Olivier E. Williamson đã được trao giải Nobel Kinh tế năm 2009 với công trình nghiên cứu về nhiều mối quan hệ bên trong một công ty hoặc giữa các công ty với cá nhân định hình nên hành vi thị trường. Bà Ostrom là người phụ nữ đầu tiên nhận giải Nobel Kinh tế trong lịch sử 41 năm của giải thưởng này.

Công trình nghiên cứu của hai nhà kinh tế trên cho thấy, trong hoạt động kinh doanh, con người tự thích nghi với nhiều hình thức điều hành và luật lệ chi phối - mà thuật ngữ kinh tế học gọi là “sự cai quản”. Người ta làm như vậy một cách độc lập với chính quyền hoặc không bị mệnh lệnh của các ông chủ công ty chi phối. Trong khi đó, công trình nghiên cứu của Olivier Williamson là nền tảng cho tư duy kinh tế hiện đại. Những tập đoàn đa quốc gia hiện nay đã đều ít nhiều dựa vào ý tưởng từ công trình nghiên cứu của ông.

Năm 2010: Ba nhà khoa học gồm hai người Mỹ Peter Diamond, Dale Mortensen và nhà kinh tế người Anh gốc Hy Lạp Christopher Pissarides đã giành giải Nobel Kinh tế năm 2010 vì đã phát triển những học thuyết giải thích các chính sách kinh tế và luật lệ ảnh hưởng như thế nào đến thất nghiệp, tuyển dụng và tiền lương.

Công trình đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2010 đã giúp hình thành khung lý thuyết cho các thị trường tìm kiếm, nhất là ứng dụng trong thị trường lao động. Công trình cũng giúp chúng ta hiểu được luật lệ và chính sách kinh tế tác động như thế nào đối với các vấn đề thất nghiệp, tuyển dụng và tiền lương. Một kết luận quan trọng là khi trợ cấp thất nghiệp càng hào phóng sẽ khiến tỷ lệ thất nghiệp càng cao và thời gian tìm kiếm việc làm càng lâu hơn. Thuyết tìm kiếm đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác bên cạnh thị trường lao động, đặc biệt là thị trường nhà ở. Ngoài ra, nó cũng được sử dụng để nghiên cứu các câu hỏi liên quan đến lý thuyết tiền tệ, kinh tế tài chính công, kinh tế khu vực và kinh tế hộ gia đình.

Quang Tuyến (tổng hợp)