SEA Games 29 với mục tiêu Top 3 của thể thao Việt Nam

So với danh sách ban đầu gồm 34 môn gây ra nhiều tranh cãi, nước chủ nhà Malaysia đã bổ sung thêm các môn đấu kiếm, judo, muay và ba môn phối hợp vào nội dung thi đấu chính thức tại SEA Games 29 năm 2017 (diễn ra vào tháng 8 tới). Như vậy, SEA Games 29 sẽ có tổng cộng 38 môn với 403 nội dung, nhiều hơn SEA Games 28 (tại Singapore) với 36 môn và 402 nội dung thi đấu.

Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, 750 thành viên của đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự SEA Games 29, trong đó có 568 vận động viên và 105 huấn luyện viên. Việt Nam đặt mục tiêu giành vị trí thứ 3 toàn đoàn và phấn đấu giành từ 49 đến 62 Huy chương vàng các môn thuộc nhóm Olympic.

Chủ nhà Malaysia bổ sung judo vào chương trình thi đấu SEA Games 29.

Kể từ kỳ SEA Games 22 (năm 2003) được tổ chức tại Việt Nam, thể thao Việt Nam luôn lọt vào top 3 của đại hội. Có chút lo ngại khi SEA Games lần này, có nhiều môn trọng điểm của Việt Nam đã bị khống chế số nội dung thi đấu, hoặc chỉ tổ chức nội dung của nam như đấu kiếm, boxing, cử tạ nữ, judo, canoeing, rowing, thể hình, vovinam... Đáng chú ý, môn điền kinh bị cắt giảm nhiều nội dung quan trọng và là thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên môn vẫn tin tưởng sẽ không ảnh hưởng nhiều tới thành tích chung cũng như chỉ tiêu huy chương của đoàn thể thao Việt Nam.

Xác định mục tiêu lọt vào top 3 của đoàn thể thao Việt Nam là quan trọng, tuy nhiên không quá chú trọng vào mục tiêu trước mắt (thành tích ở SEA Games) mà quên đi mục tiêu lâu dài. Thực tế, so với mặt bằng thành tích thể thao của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, thể thao Việt Nam không khó để đạt mục tiêu về huy chương. Nhưng với một nền thể thao đặt mục tiêu phát triển ở tầm châu lục và thế giới, thì rõ ràng, việc đặt nặng mục tiêu top 3 SEA Games là không ổn.


Bởi vậy, trong một vài kỳ SEA Games gần đây, bài toán chất lượng mục tiêu đã được lãnh đạo ngành Thể dục thể thao đặt ra. Cụ thể, bên cạnh việc giữ được vị trí hàng đầu tại các kỳ SEA Games thông qua số huy chương cần thiết, thì chất lượng các tấm huy chương cũng được đặc biệt quan tâm. Điều đó đã lý giải, thành phần của đoàn thể thao Việt Nam dần được thu hẹp, những môn thi mang tính "thời vụ" để kiếm huy chương không còn là ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó là các môn nằm trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD.


Đã có những cuộc rà soát, phân loại các môn, nội dung trọng điểm mà Việt Nam có thể giành huy chương để tập trung đầu tư theo hướng “tinh”, “nhọn” đối với vận động viên xuất sắc, đặc biệt xuất sắc nhằm tạo đột phá thành tích tại các môn thế mạnh.


Sự thay đổi này ngay lập tức đã thu được thành công vang dội như kỳ SEA Games 28 tổ chức tại Singapore (năm 2015). Với 73 Huy chương vàng giành được, thì có 88% số Huy chương vàng đến từ các môn Olympic, ASIAD như điền kinh (11), bơi lội (10), thể dục dụng cụ (9), đấu kiếm (8); tiếp đến là các Huy chương vàng bắn súng, rowing, taekwondo, quyền anh...


Đây là con số rất ấn tượng, cao nhất từ trước tới nay của Việt Nam tại SEA Games sau nhiều năm phụ thuộc chủ yếu vào các môn võ thuật. Cũng chính từ thành công tại SEA Games 28 đã giúp thể thao Việt Nam có một Hoàng Xuân Vinh tỏa sáng tại Olympic Rio 2016 với 2 tấm huy chương (một vàng, một bạc) ở môn bắn súng.


Trở lại với SEA Games 29 (diễn ra vào tháng 8 tới), theo ông Trần Đức Phấn, đây sẽ là bàn đạp quan trọng của thể thao Việt Nam nhằm hướng tới ASIAD 2018 tại Indonesia và xa hơn là Olympic Tokyo 2020. “Thể thao Việt Nam đã có Huy chương vàng ở đấu trường Olympic, bởi vậy phải phấn đấu duy trì và nâng cao thành tích này” - ông Trần Đức Phấn nhấn mạnh.


Yến Nhi/Báo Tin Tức
Xuân Trường vẫn có thể tham dự SEA Games 29
Xuân Trường vẫn có thể tham dự SEA Games 29

Xuân Trường sẽ được CLB Gangwon FC tạo điều kiện cho tập trung đội tuyển U22 Việt Nam tham dự SEA Games 29 và trước đó là vòng loại U23 châu Á 2018, dù không nằm trong lịch FIFA date.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN