11:06 03/11/2011

Các lâm trường “thoi thóp” sau khi chuyển đổi

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi 15 lâm trường quốc doanh sang thành 15 công ty TNHH một thành viên, thế nhưng, hầu hết các đơn vị này đều sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, diện tích rừng, vốn rừng ngày càng thu hẹp, suy giảm, đời sống cán bộ, công nhân khó khăn.

Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã chuyển đổi 15 lâm trường quốc doanh sang thành 15 công ty TNHH một thành viên, thế nhưng, hầu hết các đơn vị này đều sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, diện tích rừng, vốn rừng ngày càng thu hẹp, suy giảm, đời sống cán bộ, công nhân khó khăn.

Sau khi chuyển đổi, các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) này quản lý gần 208.000 ha rừng, đất lâm, nông nghiệp. Qua kiểm tra, hầu hết các công ty lâm nghiệp đều ở trong tình trạng hết sức khó khăn, chưa có phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, nợ lương cán bộ, công nhân kéo dài nhiều tháng liền. Nghiêm trọng hơn, ngoài việc không hoàn thành nhiệm vụ được giao, các công ty còn để trên 2.000 ha rừng tự nhiên bị khai thác, chặt phá, đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm trái phép. Chỉ riêng các công ty lâm nghiệp nằm trên địa bàn huyện Ea Súp như Ya Lốp, Chư Pả, Chư Ma Lanh, Ea H’Mơ, Rừng Xanh đã có trên 1.000 ha rừng, đất rừng bị khai thác, chặt phá, lấn chiếm trái phép nhưng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Tại địa bàn của Công ty lâm nghiệp Cư M’lanh, 10 tháng đầu năm nay đã xảy ra trên 160 vụ vi phạm chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép, với diện tích 125,95 ha.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đang “gồng mình” đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là chậm thích ứng với cơ chế, môi trường sản xuất kinh doanh mới. Một số công ty lâm nghiệp chỉ quản lý rừng tự nhiên là rừng sản xuất, nhiều năm nay không được giao chỉ tiêu khai thác, không được hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng nên không thực hiện được nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến tình trạng rừng có chủ nhưng lại như không có chủ. Cơ chế quản lý đối với hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, chưa tách bạch giữa hoạt động sản xuất kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ công ích. Các công ty lâm nghiệp với mục tiêu chính là sản xuất kinh doanh và quản lý bảo vệ mà chủ yếu là rừng sản xuất, nhưng trên thực tế không phải mọi diện tích rừng tự nhiên là rừng sản xuất đều có thể kinh doanh hàng năm. Việc xác định vốn của các công ty lâm nghiệp này cũng chỉ mới căn cứ vào giá trị tài sản cố định là cơ sở hạ tầng, nhà kho, sân phơi, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, vốn lưu động, trong khi đó, tài sản lớn nhất của các đơn vị là rừng tự nhiên nhưng chưa xác định được giá trị, nên chưa tính vào vốn.

Cũng theo ông Đinh Văn Khiết, các doanh nghiệp chuyển đổi từ lâm trường quốc doanh sang công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh, ảnh hưởng đến chất lượng chuyển đổi và công tác quản lý tài sản- tài chính sau chuyển đổi. Thực tế là các công ty lâm nghiệp đều không có vốn hoạt động, thậm chí không có nguồn lực để nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của đơn vị, không tiếp cận được với nguồn vốn vay của ngân hàng. Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Kar bày tỏ: “Sau khi chuyển sang cơ chế hoạt động mới có điều kiện giúp cho các công ty lâm nghiệp tự chủ hơn. Tuy nhiên, các công ty lâm nghiệp chỉ có mỗi thế mạnh là về quỹ đất nhưng cũng chẳng thế nào phát huy được thế mạnh ấy. Đơn giản như ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty hiện vẫn nằm ở Sở Tài nguyên và Môi trường vì không có khả năng về tài chính để nộp thuế...”.

Để việc chuyển đổi các lâm trường quốc doanh sang các công ty lâm nghiệp không chỉ là “thay tên đổi họ”, “bình mới, rượu cũ”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Đinh Văn Khiết kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm có các cơ chế, chính sách, nhất là hướng dẫn thực hiện đồng bộ việc chi trả phí môi trường rừng, có chính sách ưu tiên cho các công ty lâm nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển rừng, phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày khác. Kiến nghị về việc miễn tiền thuê đất, thuê rừng để các công ty lâm nghiệp nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ kinh phí quản lý bảo vệ rừng nghèo cho phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các công ty quản lý bảo vệ rừng. Cần có cơ chế chính sách cho các công ty lâm nghiệp được thực sự tự chủ trong kinh doanh khai thác rừng, hoạt động quản lý, bảo vệ phát triển rừng theo phương án quản lý bảo vệ rừng bền vững đã được phê duyệt...

Quang Huy