07:07 12/07/2014

Các hãng hàng không có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh

Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp đánh giá về thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng hủy, chậm chuyến...

Nhằm giải quyết tận gốc tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua, ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức cuộc họp đánh giá về thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng hủy, chậm chuyến của các hãng hàng không Việt Nam.   

   
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Giải pháp đầu tiên để giảm chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện, triệt để Cục Hàng không Việt Nam. Lãnh đạo Cục này phải thấy được sự chậm đổi mới của mình, tư duy trì trệ của mình để đổi mới. Bên cạnh đó, cần phải nhìn nhận việc chỉ huy phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa tốt. Bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh".    


Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 74.000 chuyến bay. Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến 20,9%, tỷ lệ hủy chuyến 3,2% so với cùng kỳ năm 2013. Công ty cổ phần Hàng không VietJet (Vietjet Air) và Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific (Jetstar Pacific) lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ hơn 40% chậm chuyến - một tỷ lệ quá cao, gây bức xúc dư luận. Tiếp theo là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty Bay dịch vụ hàng không VASCO.    


Theo Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trung bình của các hãng hàng không trên thế giới trong khoảng 20%. Trong đó, các hãng hàng không giá rẻ có khuynh hướng chậm, hủy chuyến cao hơn các hãng truyền thống.   


Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải đưa ngay những tồn tại bất cập hiện nay vào nội dung cần sửa của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Mặt khác, cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị cơ quan liên quan trong việc để chất lượng dịch vụ chưa cao và có chế tài xử lý.     

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Phải có các quy định cụ thể nếu các hãng hàng không còn để tình trạng chậm, hủy chuyến thường xuyên sẽ có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh, không thể để mãi hiện tượng chậm, hủy thoải mái mà không ai bị sao”.


Đại diện của 2 hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific cũng hứa trước lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải sẽ giảm ngay 50% số vụ chậm, hủy chuyến trong tháng 7, tháng 8.


Quang Toàn