03:18 25/03/2012

Các hãng chế tạo Mỹ phải thay đổi "luật chơi" tại Trung Quốc

Trong báo cáo định kỳ hàng quý của hãng, Nike đề cập việc xu hướng tăng lương tại một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã "ăn mòn" lợi nhuận của hãng...

Cuối tuần trước, hãng giày Nike của Mỹ công bố đạt lợi nhuận cao hơn quý trước đó, nhưng cổ phiếu của hãng vẫn giảm. Trong báo cáo định kỳ hàng quý của hãng, Nike đề cập việc xu hướng tăng lương tại một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã "ăn mòn" lợi nhuận của hãng.

Trên thực tế, việc tăng lương cùng một số nhân tố khác như chi phí nguyên liệu tăng đã khiến lợi nhuận của Nike giảm 2% chỉ trong vòng 1 năm. Chuyên gia phân tích Sara Hasan cho biết, lương tại vành đai công nghiệp ở miền Nam Trung Quốc sau khi tăng 11% trong năm 2010 đã tăng tiếp 10% trong năm 2011 (theo báo cáo của ngân hàng Standard Chartered).

Nhiều năm nay, việc sử dụng nguồn nhân công giá rẻ của Trung Quốc đã giúp các công ty Mỹ tạo ra những chiếc iPads giá 499 USD, lợi nhuận rủng rỉnh và trợ cấp hưu trí hậu hĩnh hơn. Nhưng hiện đã có những dấu hiệu cho thấy chi phí nhân công rẻ - "phần thưởng lớn" mà Trung Quốc dành cho nhà đầu tư - đã bước vào giai đoạn cuối.

Mới đây chính quyền Thượng Hải tuyên bố mức lương tối thiểu sẽ tăng 13%, do tình trạng thiếu hụt lao động và những vụ bạo động của công nhân. Theo chuyên gia Hasan, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng và tầng lớp trung lưu lớn dần lên, sức ép tăng lương sẽ còn tiếp tục. Giám đốc điều hành Nike, ông Parker đã phải thừa nhận chi phí không thể giảm trong một sớm một chiều.

Và các hãng chế tạo Mỹ chỉ có một sự lựa chọn "đau đớn": chấp nhận lợi nhuận giảm, chuyển chi phí sang người tiêu dùng hoặc giảm chi phí lao động theo các cách khác. Lacrosse, một hãng giày nhỏ có trụ sở ở Wisconsin đã chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nơi mức lương vẫn còn tương đối thấp. Khu vực miền Tây Trung Quốc, Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia cũng được liệt vào phương án thay thế của các hãng chế tạo Mỹ.

Đối với các công ty lớn hơn, câu trả lời có thể là cắt giảm dây chuyền cung cấp hoặc "đánh" vào người tiêu dùng. Trong dài hạn, Nike hy vọng giảm chi phí sản xuất nhờ tăng cường dây chuyền tự động. Cụ thể, hãng đã đầu tư vào công nghệ FlyKnit, giúp giảm số nhân công đóng giày.
Theo công ty tư vấn Accenture, với việc kết hợp nhiều giải pháp, các hãng chế tạo Mỹ đã "bám rễ" được ở Trung Quốc có thể không quá khó khăn để đối phó với việc lương nhân công ở nước này tăng đến 30%.

TTXVN/ Tin Tức