08:08 11/08/2011

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp xúc cử tri

Ngày 10/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Ngày 10/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, thành phố Hà Nội, đã tiếp xúc đông đảo cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Đa số cử tri đều bày tỏ vui mừng, phấn khởi trước kết quả thành công của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lắng nghe và cảm ơn cử tri đóng góp nhiều ý kiến chân thành, xây dựng, gửi gắm niềm tin vào các đại biểu Quốc hội; mong rằng sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri sẽ làm vơi đi những bức xúc và tăng thêm niềm tin của cử tri với Quốc hội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, không ít khó khăn thách thức, thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII, là những kết quả đáng trân trọng, thể hiện sự đoàn kết nhất trí cao của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thành công to lớn và toàn diện đó đã tạo nên niềm tin mới, khí thế mới, quyết tâm mới, để toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trước sự quan tâm của nhiều cử tri về việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tổng Bí thư khẳng định đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm thể chế hóa đường lối của Đảng mà tập trung nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sửa đổi Hiến pháp cần phải được tiến hành một cách bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, trên nguyên tắc phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học, tham khảo kinh nghiệm của các nước...

Xung quanh việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta không quá coi trọng tăng trưởng, mà chủ trương duy trì mức tăng trưởng hợp lý, tập trung thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Tổng Bí thư đã phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến những tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, đó là sự yếu kém, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý, nội lực của nền kinh tế nước ta còn yếu, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, công tác nghiên cứu dự báo còn hạn chế...

Trước sự quan tâm của cử tri về chủ quyền biển, đảo, Tổng Bí thư khẳng định độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, cần quyết tâm bảo vệ, giữ vững. Chúng ta đã nhiều lần công khai tuyên bố và có nhiều hình thức khẳng định chủ quyền lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, khai thác tiềm năng, phát triển mạnh kinh tế biển để làm giàu cho đất nước; thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về vấn đề phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư chỉ rõ: Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, trong đó cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần tiên phong gương mẫu. Học tập, làm theo đạo đức, tác phong, lối sống của Bác, trước hết phải bắt đầu bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, tập trung làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, không hô hào chung chung. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh: Cần gìn giữ, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng nhất trí trong Đảng, trong dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước ta vững bước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

* Ngày 10/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 1, TP Hồ Chí Minh đã có các buổi tiếp xúc cử tri hai quận 1 và 3 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và lắng nghe những ý kiến đóng góp, tâm tư nguyện vọng của cử tri.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 3, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải – TTXVN


Tại hai buổi tiếp xúc, cử tri đều bày tỏ phấn khởi, vui mừng về kết quả của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, trong đó công tác nhân sự đã được chuẩn bị tốt để bầu ra ban lãnh đạo cấp cao của đất nước. Cử tri tin tưởng đội ngũ lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và các ĐBQH sẽ phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, làm được nhiều việc, đẩy lùi những tồn tại, yếu kém, đưa đất nước phát triển, xứng đáng với sự tín nhiệm và kỳ vọng của cử tri cả nước. Cử tri hai quận cũng đánh giá cao việc Quốc hội đã quan tâm, dành thời gian thảo luận về tình hình Biển Đông và vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Thay mặt tổ ĐBQH, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trân trọng tiếp thu các ý kiến của cử tri.

Chia sẻ những bức xúc, kiến nghị của cử tri về tình hình lạm phát, khó khăn trong đời sống và những hạn chế trong nhiều lĩnh vực, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định những vấn đề cấp bách sẽ được giải quyết ngay, nhưng cũng có nhiều việc không thể giải quyết ngày một ngày hai mà đòi hỏi thời gian dài, có khi cả một nhiệm kỳ Quốc hội để bàn bạc, thảo luận, tìm hướng giải quyết thấu đáo. Chủ tịch nước cho biết kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành đang nỗ lực giải quyết. Chủ tịch nước cũng khẳng định lại quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng, lãng phí, đây không chỉ là chủ trương mà đã có hệ thống pháp luật và đã được thực hiện từ nhiều năm nay.

Về vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết mọi việc đều phải được giải quyết theo đúng luật pháp quốc tế, mong cử tri và nhân dân cả nước cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo vì sự nghiệp chung của quốc gia. Chủ tịch nước cũng cho biết đã có một số thế lực thù địch lợi dụng tình hình Biển Đông để xuyên tạc chế độ và làm nhiều người hiểu sai về các chủ trương, chính sách bảo vệ chủ quyền quốc gia của Nhà nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền phải đi cùng với giữ môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

* Chiều 10/8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp xúc cử tri tại thành phố Hà Tĩnh để báo báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp xúc cử tri TP Hà Tĩnh. Ảnh: Nhan Sáng - TTXVN


Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã thông báo nội dung và kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao tình đoàn kết, nhất trí của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, đã chung sức, đồng lòng hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, HĐND tỉnh đã đề ra. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn tiếp tục được cử tri Hà Tĩnh theo dõi, ủng hộ và tích cực giúp đỡ để đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.

Ý kiến của đại diện các cử tri Hà Tĩnh trong buổi tiếp xúc đều bày tỏ phấn khởi, tin tưởng vào kết quả tốt đẹp của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, đã tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Đại diện cử tri Hà Tĩnh cũng đề xuất Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước tại cơ sở; thúc đẩy công tác phòng chống tham nhũng và ưu tiên cho việc triển khai chủ trương phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Cử tri Nguyễn Hữu Thông, Bí thư Chi bộ khối phố 5, phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh đề nghị Quốc hội có biện pháp tăng cường việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tại các cơ quan nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục rườm rà, gây phiền hà cho nhân dân.

Quan tâm đến chính sách tam nông, các cử tri Tống Thị Quỳnh Hoa (Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Tĩnh) và Nguyễn Thanh Sơn (Bí thư Huyện ủy Vũ Quang) đề nghị, Quốc hội cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn nữa để thực thi chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với tốc độ nhanh hơn và hiệu quả hơn; cần có biện pháp bảo vệ diện tích đất trồng lúa cho nông dân; tạo điều kiện cho người nông dân trong việc học nghề, tạo việc làm; quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông, điện cho công nghiệp nông thôn…

Sau khi lắng nghe ý kiến của các cử tri, đại diện lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đã phát biểu tiếp thu và cam kết sẽ tổng hợp để báo cáo, gửi kiến nghị đến Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.

lTiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội khóa XIII, ngày 10/8, ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam đã có buổi tiếp xúc cử tri huyện Hiệp Đức và huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt những nội dung chính của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh Quảng Nam đề nghị Chính phủ cần có giải pháp khẩn cấp ổn định lương thực, thực phẩm, tăng cường quản lý để kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân... Đặc biệt, hiện nay, địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản và phá rừng tràn lan, làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là nguồn lợi thủy hải sản bị cạn kiệt do nguồn nước ô nhiễm. Một số cử tri kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế chính sách cho người có công, người bị nhiễm chất độc da cam/điôxin. Cử tri đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu có giải pháp thuận lợi giúp người dân có đường ra biển vì một số khu vực bờ biển đã giao cho các dự án du lịch nước ngoài xây dựng khai thác vùng bờ biển... Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải đáp một số ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời cam kết sẽ chuyển tải những vấn đề cử tri quan tâm tới các cơ quan chức năng. 

* Ngày 10/8, ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng và Đống Đa (Hà Nội).

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều hoan nghênh kết quả tốt đẹp của kỳ họp Quốc hội vừa qua, đã lựa chọn những người lãnh đạo đất nước có tri thức cao, có năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, cử tri phản ánh bức xúc xoay quanh việc giá cả tăng nhanh, giá vàng quay cuồng, đồng tiền mất giá ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đặc biệt là đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp và sinh viên; về vấn nạn ùn tắc giao thông; công tác quản lý trật tự xây dựng, đô thị chưa khoa học, hiệu quả đầu tư chưa cao... Cử tri Ngô Hữu Khang, Bí thư chi bộ 9b, phường Thịnh Quang (quận Đống Đa) cho rằng, công tác quản lý trật tự quá kém nên mới xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo; vỉa hè hết đào rồi lại lấp, đến khi báo chí lên tiếng thì chính quyền mới vào cuộc. Cử tri cho rằng cần phải phân cấp, gắn với giao trách nhiệm từng cấp, ngành, từng cá nhân thì mới có thể quản lý hiệu quả.

* Trong các ngày 9 và 10/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII khu vực tỉnh Bắc Giang đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại các huyện Hiệp Hòa, Lục Nam, Yên Thế, Yên Dũng, Việt Yên và thành phố Bắc Giang.

Tại các nơi tiếp xúc, các cử tri Bắc Giang đã bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của kỳ họp, tin tưởng vào bộ máy nhân sự mới của Nhà nước, Chính phủ sẽ đưa đất nước phát triển ngày càng nhanh chóng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cử tri cũng bày tỏ nhiều ý kiến, kiến nghị như: Cần đảm bảo điện sinh hoạt cho nhân dân khu vực nông thôn, miền núi; kịp thời giải quyết chế độ cho các nạn nhân nhiễm chất độc hóa học; tăng cường đầu tư cho đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên...

Làm việc với Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang chiều 10/8, các đại biểu Quốc hội đã nghe Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo về những định hướng lớn phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2011-2015; đại diện lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh trình bày những đề xuất, kiến nghị cụ thể với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương để tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Giang thực hiện tốt những định hướng trên.

TTN